Sau 4 năm Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam- Nhật Bản (VJEPA) có hiệu lực, nhiều ngành hàng XK của Việt Nam đã tận dụng được các lợi thế về ưu đãi thuế quan để đẩy mạnh tăng trưởng XK vào thị trường Nhật Bản.
Tuy nhiên, để có thể nâng cao thị phần của hàng hóa Việt Nam tại thị trường khó tính này, các DN XK cần nghiên cứu và nắm rõ hơn về các cơ chế cam kết của các Hiệp định thương mại tự do đã được kí kết.
Những nội dung được đưa ra tại Hội thảo "Đẩy mạnh cơ hội XK vào thị trường Nhật Bản" do Sở Công Thương TP.HCM phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển, trung tâm WTP phối hợp tổ chức tại TP.HCM ngày 21-8.
Trong bối cảnh một số thị trường XK chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU còn đang khó khăn, việc giảm rào cản đối với hàng hóa XK của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản thông qua thực hiện Hiệp định VJEPA đã và đang góp phần quan trọng thúc đẩy hoạt động XK hàng hóa của các DN Việt Nam. Chỉ tính riêng tại TP.HCM, hơn 4 năm qua, một số mặt hàng của TP.HCM đã tận dụng tốt các ưu đãi trong Hiệp định để đạt tăng trưởng XK sang thị trường Nhật Bản như dệt may, giày dép, cà phê, rau, quả.
Theo thống kê của Sở Công Thương TP.HCM, nếu như năm 2009, 2010, Nhật Bản mới chỉ là thị trường XK đứng thứ 4 của TP.HCM thì đến năm 2011, 2012, Nhật Bản đã trở thành thị trường XK lớn thứ 2 chỉ sau Hoa Kì, chiếm 12% tổng kim ngạch XK của thành phố. Đặc biệt mặc dù trong năm 2009, do ảnh hưởng bởi tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tổng kim ngạch XK của TP.HCM với Nhật Bản chỉ đạt 3,3 tỉ USD, giảm 19,7% so với năm 2008 nhưng đến năm 2012, tổng kim ngạch XNK của TP.HCM với Nhật Bản vẫn đạt 3,98 tỉ USD, tăng 21% so với năm 2009.
Đặc biệt, trong hai năm 2009-2010, kim ngạch XK của TP.HCM sang thị trường Nhật Bản luôn thấp hơn kim ngạch NK nhưng đến năm 2011-2012 TP.HCM liên tục xuất siêu vào thị trường Nhật. Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2013, tổng kim ngạch XNK của TP.HCM sang thị trường Nhật đạt 2,54 tỉ USD trong đó kim ngạch XK đạt 1,4 tỉ USD.
Theo ông Lê An Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á- Thái Bình Dương, Nhật Bản là thị trường tiêu thụ rất lớn và nhiều tiềm năng đối với hàng hóa XK của Việt Nam. Mặc dù năm 2009, kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đã giảm 14% so với năm 2008 do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới nhưng tính chung giai đoạn 2007-2012 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nhật Bản vẫn đạt tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%.
Năm 2013, dự kiến tốc độ tăng trường XK hàng hóa của nước ta vào thị trường này sẽ đạt khoảng 18% với tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam- Nhật Bản đạt khoảng 8 tỉ USD.
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, các DN cũng sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức khi XK hàng hóa vào thị trường Nhật do các tiêu chuẩn kĩ thuật rất đặc thù, đặc biệt là rào cản kĩ thuật đối với hàng thực phẩm rất khắt khe của thị trường này.
Bên cạnh đó, hệ thống phân phối phức tạp của thị trường Nhật Bản cũng đòi hỏi các DN XK vào thị trường này phải có quan hệ tốt với các nhà NK trung gian thông qua các hiệp hội, ngành hàng.
Ngoài ra, chi phí xúc tiến thương mại, điều tra thị trường cao, các quy định về thủ tục hành chính được xây dựng theo yêu cầu của Luật Vệ sinh thực phẩm cũng đang gây không ít khó khăn cho các DN muốn xúc tiến XK vào thị trường Nhật Bản.
Theo các chuyên gia, Hiệp định đối tác toàn diện ASEAN- Nhật Bản (AJCEP) có hiệu lực từ tháng 12-2008 và Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam- Nhật Bản (VJEPA) có hiệu lực từ tháng 1-2009, đã mang lại nhiều cơ hội cho các DN Việt Nam, trong đó cơ hội lớn nhất là được hưởng thuế suất ưu đãi khi XK vào thị trường này đối với hầu hết các mặt hàng nông sản, thủy sản và công nghiệp.
Tuy nhiên, để có thể được hưởng lợi tối đa từ các Hiệp định trên, các DN phải nghiên cứu kĩ càng và chặt chẽ các cơ chế cam kết của Hiệp định, đặc biệt là Hiệp định VJEPA, đồng thời nắm rõ các quy tắc về xuất xứ hàng hóa. Theo khuyến nghị của ông Vương Đức Anh, đại diện Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, đối với các DN lần đầu tiên XK sang thị trường Nhật Bản, trước hết cần xác định mã số hàng hóa, từ đó tra cứu biểu thuế để lựa chọn mức thuế suất ưu đãi, tiếp theo mới xem xét các tiêu chí về xuất xứ, chọn mẫu giấy chứng nhận xuất xứ theo Hiệp định AJCEP (C/O AJ) hay VJEPA (C/O VJ) để có thể lựa chọn được mức thuế ưu đãi tối đa khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Nhật Bản.
Theo Hải Quan Online