HSBC dự báo năm 2014-2016 GDP của Việt Nam sẽ có sự hồi phục mạnh hơn khi lãi suất thấp, hàng tồn kho giảm kích thích đầu tư nội địa. Xuất khẩu của nước ta vào các thị trường châu Á sẽ tăng trưởng 15%/năm trong giai đoạn 2013-2020.
Việt Nam xuất khẩu mạnh qua Mỹ và các nước láng giềng
Dù Chỉ số Tin cậy Thương mại (TCI) nửa đầu 2013 chỉ ở mức 108 điểm, mức thấp nhất từ năm 2009, nhưng báo cáo của HSBC vẫn đánh giá lạc quan về triển vọng dài hạn về tình hình giao thương tại Việt Nam. Báo cáo nhận xét, với vị trí vững mạnh của ngành công nghiệp giày dép, may mặc và thị trường trang thiết bị thông tin và viễn thông, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt mức tăng trưởng GDP trong dài hạn là 5%/năm.
Theo các cuộc khảo sát của HSBC, Việt Nam có mối quan hệ giao thương mạnh với Mỹ và châu Âu. Những rủi ro vì thị trường châu Âu phát triển chậm lại phần nào được bù đắp bởi các cơ hội giao thương nội vùng và sự hồi phục của nền kinh tế Mỹ. Mặc dù mạch tăng trưởng bị đứt quãng năm nay do nhu cầu toàn cầu suy yếu, giao thương được kỳ vọng sẽ dần dần khởi sắc trở lại vào nửa cuối năm 2013.
Hơn một nửa hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay là đến các nền kinh tế phát triển, một tỷ lệ cao hơn so với các nước láng giềng như Indonesia, Malaysia và Bangladesh. Điều này có thể giúp Việt Nam hồi phục khi nhu cầu tại các nền kinh tế phát triển phục hồi đặc biệt là tại thị trường Mỹ, đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Tăng trưởng hai con số
Nhờ vào chi phí nhân công cạnh tranh, quần áo và phụ kiện ngành may là ngành hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Ngành này sẽ đóng góp 20% vào sự tăng trưởng của xuất khẩu tới năm 2020. Kể từ khi Hiệp định Thương mại song phương với Mỹ có hiệu lực vào năm 2000 và sự gia nhập WTO năm 2007, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu hàng quần áo và giày dép vào Mỹ chỉ sau Trung Quốc. Xuất khẩu quần áo và may mặc vào Mỹ và châu Âu được kỳ vọng sẽ tăng trưởng với tốc độ hai con số trong giai đoạn 2013-2015.
Ngoài ra, báo cáo cho rằng tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng tại khắp châu Á sẽ giúp đẩy mạnh dòng chảy thương mại từ Việt Nam đến các nước mới nổi còn lại của châu Á. Hiệp ước về Khu vực Mậu dịch Tự do Đông Nam Á - Trung Quốc (ACFTA) sẽ mang đến nhiều lợi ích. Xuất khẩu của Việt Nam đến các nước châu Á còn lại (ngoại trừ Nhật Bản) sẽ tăng hơn 15%/năm trong giai đoạn 2013-2020. Trong đó, Trung Quốc được kỳ vọng sẽ là thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Việt Nam cho đến năm 2030 và Ấn Độ, Bangladesh sẽ là những thị trường nhập khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Việt Nam với máy móc công nghiệp là lĩnh vực nhập khẩu lớn nhất.
Giao thương giữa Việt Nam và Malaysia cũng được dự báo nâng tầm quan trọng. Sự tăng trưởng nhanh của quốc gia này trong các ngành máy móc công nghiệp, thiết bị thông tin và viễn thông, sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu từ Việt Nam qua Malaysia lên hơn 15%/năm trong giai đoạn 2016-2030. Dự báo đến năm 2030, nước này sẽ chiếm vị trí số 3 của Nhật trong 5 thị trường xuất khẩu hàng đầu với các doanh nghiệp Việt Nam.
Việt Nam đã thu hút được một lượng lớn đầu tư giá trị cao hơn trong vài năm gần đây do các nhà đầu tư nhìn thấy sự hấp dẫn của một nền kinh tế với dân số đông, chi phí cạnh tranh và vị trí địa lý trong khu vực mới nổi rất năng động của châu Á. Xu hướng đầu tư ngày càng cao nhắm vào các ngành dịch vụ và ngành hàng tiêu dùng tận dụng điều kiện thuận lợi của thị trường dân số trẻ đang mở rộng. Loại tiền tệ được lựa chọn cho giao dịch thương mại hiện nay là đôla Mỹ (USD) chiếm thế áp đảo với hơn 92% doanh nghiệp được khảo sát lựa chọn. Tuy nhiên biến động tỷ giá cũng là mối quan ngại chính của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Theo Báo Bảo Vệ Pháp Luật