Vừa qua, Bộ Công thương phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam tổ chức hội thảo báo cáo kết quả Phiên rà soát ở Geneve (Thụy Sỹ) tháng 9/2013.
Đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong thực thi các cam kết hậu gia nhập WTO đã mang lại những kết quả khích lệ về thay đổi môi trường đầu tư, gia tăng thương mại hàng hóa... là ý kiến chủ đạo của các thành viên WTO tại Phiên rà soát ở Geneve (Thụy Sỹ) tháng 9 năm nay.
Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam, ông Franz Jessen cho rằng, nhờ hội nhập WTO, Việt Nam đã được công nhận là đối tác thương mại đa phương, không chỉ trong Asean, mà còn là đối tác thương mại ngày càng quan trọng của EU.
Sau 7 năm gia nhập WTO, kinh tế Việt Nam đã phát triển mạnh trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài, thương mại, dịch vụ...
Ngay trong năm đầu gia nhập WTO (năm 2007), tổng giá trị hàng xuất nhập khẩu tăng 31,3% (tương đương mức tăng 26,52 tỷ USD so với năm 2006). Năm 2012, thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt 228,31 tỷ USD, cao gấp hơn 2 lần so với kết quả thực hiện năm 2007.
Đánh giá của Tổng cục Hải quan cho thấy, sự phát triển về ngoại thương hàng hóa của Việt Nam không chỉ thể hiện ở mức tăng trưởng kim ngạch xuất, nhập khẩu, mà còn được khẳng định qua bảng xếp hạng về giao dịch thương mại hàng hóa qua các năm.
Qua xếp hạng của WTO, thứ hạng của Việt Nam xét theo kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2003 lần lượt ở vị trí 50 và 42 trên toàn cầu. Tuy nhiên, đến năm 2012, thứ hạng xuất khẩu hàng hóa của nước ta đã tăng 13 bậc, lên vị trí thứ 37 trong số các nước, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, trong khi nhập khẩu của Việt Nam tăng 18 bậc, xếp vị trí thứ 34.
"Cộng đồng doanh nghiệp EU đánh giá cao những bước tiến về thay đổi môi trường đầu tư, kinh doanh Việt Nam sau khi gia nhập WTO. Nhiều doanh nghiệp xem Việt Nam là trung tâm sản xuất hàng hóa quan trọng cho thị trường EU. Sự thay đổi tích cực này là động lực để doanh nghiệp EU gia tăng đầu tư vào Việt Nam trong những năm tới", ông Franz Jessen nhấn mạnh.
Một mặt ghi nhận sự thay đổi tích cực từ phía Việt Nam, song đại diện phía EU cho rằng, vẫn còn những vấn đề còn tồn tại, gây cản trở thương mại, đầu tư của EU với Việt Nam. Cụ thể, Việt Nam cần đẩy nhanh tốc độ cải cách kinh tế và hệ thống luật pháp, giảm bớt sự thiếu nhất quán và phức tạp trong áp dụng các quy định pháp luật với doanh nghiệp, cải cách mạnh mẽ hơn khối doanh nghiệp nhà nước, nhằm tạo sân chơi công bằng để các thành phần doanh nghiệp cùng phát triển...
Một số thành viên WTO đề nghị, chính sách đầu tư của Việt Nam cần đơn giản hóa, ổn định và dễ dự báo hơn để tiếp tục thu hút FDI, cũng như bày tỏ quan ngại về chính sách bảo hộ với một số ngành ô tô, xe máy, dược phẩm, hóa chất...
Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về thương mại quốc tế nhận định, dù còn nhiều vấn đề phải tiếp tục cải cách, sửa đổi, nhưng sự thay đổi tích cực sau 7 năm gia nhập WTO đã nói lên thông điệp, rằng Việt Nam đã và đang thực hiện nghiêm túc và có trách nhiệm các cam kết gia nhập WTO.
Theo Báo Đầu tư điện tử