Theo Tổ chức Cộng đồng các nhà nghiên cứu và khoa học Indonesia (MIPI), khả năng cạnh tranh của Indonesia vẫn còn quá thấp để cho phép nền kinh tế đất nước đạt được tăng trưởng bền vững.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ), trong Báo cáo về sức cạnh tranh toàn cầu 2013-2014 của mình vừa công bố đã xếp Indonesia ở vị trí 38 trong số 148 nước được khảo sát, thấp hơn nhiều nước trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), như Thái Lan (37), Brunei (26), Malaysia (24) và Singapore (2).
Đứng đầu bảng xếp hạng của WEF là Thụy Sĩ (năm thứ năm liên tiếp), tiếp theo là lần lượt là Singapore, Phần Lan, Đức và Mỹ.
MIPI cho rằng chính phủ kế nhiệm sau cuộc tổng tuyển cử trong năm 2014 cần đưa ra được một mô hình phát triển nguồn nhân lực toàn diện và có trách nhiệm để Indonesia có thể nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế đất nước, nhất là trong giáo dục, nghiên cứu và công nghệ, bởi cơ cấu dân số vàng về mặt nhân khẩu học của Indonesia, trong đó lực lượng lao động sẽ chiếm 65% dân số, sẽ là một thảm họa nếu không được hỗ trợ bởi một hệ thống giáo dục chất lượng và tiên tiến.
Trong một động thái liên quan, ông Doddy Budi Waluyo, Giám đốc điều hành về kinh tế và chính sách tiền tệ Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI), đã bày tỏ hy vọng các cuộc bầu cử lập pháp và tổng thống trong năm tới sẽ không ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ giá đồng rupiah, và đồng tiền này sẽ phục hồi trở lại nhờ các điều kiện kinh tế cơ bản tiếp tục cải thiện, trong đó có thâm hụt tài khoản vãng lai.
Ông Doddy Budi Waluyo dự đoán thâm hụt tài khoản vãng lai của Indonesia trong năm 2014 sẽ giảm còn 25 tỷ USD (2,9% GDP), từ mức 31 tỷ USD (3,6% GDP) năm 2013, và lạm phát sẽ được kiểm soát quanh mức 4,5% với biên độ dao động +-1%, so với mức ước tính 8-9% năm 2013./.
Theo Vietnam+