Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, XK cá tra 11 tháng đầu năm 2013 đạt giá trị 1,59 tỷ USD, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2012. Có thể nói rằng, XK cá tra 11 tháng đầu năm 2013 giảm mạnh là do tình hình kinh doanh không tốt tại 2 thị trường NK chính, chiếm 44,2% tổng giá trị XK, là Mỹ và EU.
XK cá tra sang Mỹ giảm liên tiếp trong khi EU lại có xu hướng tăng nhẹ NK cá tra trong những tháng gần đây, do vậy, EU đã soán ngôi vị quán quân NK cá tra hàng đầu của Mỹ.
XK cá tra Việt Nam sang EU trong 11 tháng đầu năm 2013 đạt giá trị 353,6 triệu USD, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm 2012. Đan Mạch, Hy Lạp, Lithuania, Romania và Thụy Điển NK nhiều cá tra hơn. Lượng cá tra tiêu thụ tại một số thị trường khác như Bồ Đào Nha, Anh, Đông Âu có xu hướng tăng. Nhu cầu cá tra của Hà Lan vẫn lớn, ít nhất là trong mạng lưới bán lẻ.
Tây Ban Nha vẫn là nước NK cá tra lớn nhất trong khu vực Châu Âu với giá trị 11 tháng năm 2013 đạt 69,3 triệu USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến cuối tháng 11 này có 3/8 tháng XK cá tra sang Tây Ban Nha tăng trưởng dương. Đáng chú ý là mức tăng trưởng đều trên 39%, và NK cá tra của Tây Ban Nha trong những tháng gần đây đã có dấu hiệu khởi sắc hơn.
Giá cá tra XK sang Tây Ban Nha nói riêng và EU nói chung đều sụt giảm khoảng trên 10% so với cùng kỳ năm 2012, tuy nhiên, mức giá XK cá tra trong những tháng gần đây đã có xu hướng tiệm cận với mức giá của các tháng cuối năm 2012.
XK cá tra Việt Nam sang Mỹ trong 11 tháng đầu năm nay đạt giá trị 351,3 triệu USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2012. XK cá tra Việt Nam sang Mỹ hiện đang có dấu hiệu chững lại kể từ tháng 6 tới nay nguyên nhân là do lượng hàng cá tra dự trữ tại thị trường này vẫn còn khá nhiều. Chính vì vậy giá cá tra tại thị trường này hiện không tăng.
Giá trung bình cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ trong 10 tháng đầu năm nay đạt 3,04 USD/kg, giảm gần 9% so với 3,34 USD/kg của cùng kỳ năm 2012. Giá philê cá tra đông lạnh Việt Nam các cỡ trên thị trường Mỹ trong năm 2013 đều sụt giảm so với các năm trước đó. Hiện nay giá philê cá tra đông lạnh cỡ 5-7oz (cỡ phổ biến bán tại Mỹ) đang dao động ở mức 1,7 USD/pao.
Trong khi đó giá cá da trơn nội địa cùng loại tại Mỹ lại có xu hướng tăng kể từ tháng 9 đến nay và tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2012. Nguyên nhân là do nguồn cung cá da trơn nội địa của Mỹ hiện không còn nhiều. Giá thức ăn tăng khiến người nuôi cá tại Mỹ không có lãi từ nuôi cá da trơn nên họ chuyển sang trồng hoa màu cho lợi nhuận cao hơn.
Người Mỹ ngày càng tiêu thụ ít thủy sản hơn nguyên nhân chính là do suy thoái kinh tế từ năm 2008. Tuy nhiên, tiêu thụ cá tra trên thị trường Mỹ lại hoàn toàn ngược lại. Năm 2012, người Mỹ tiêu thụ bình quân 0,73 pao cá tra, tăng 105% so với năm 2009. Điều này chủ yếu do giá cá da trơn tăng cao. Tiêu thụ cá da trơn sụt giảm 40% trong 5 năm qua và chỉ còn 0,5 pao/người/năm.
11 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang Brazil đạt giá trị 106,04 triệu USD, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2012. Tiêu thụ thủy sản ở Brazil đang tăng dần. Những năm gần đây, đồng nội tệ và sức mua ở Brazil phục hồi cộng với đời sống người dân được cải thiện nên họ có xu hướng tìm tới thực phẩm có lợi cho sức khỏe như thủy sản.
XK cá tra sang Asean trong 11 tháng đầu năm đạt 114,2 triệu USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Asean hiện chiếm 7,2% tổng giá trị XK cá tra Việt Nam. Một số nước trong khu vực Asean như Philippines, Thái Lan, Indonesia có sản xuất cá da trơn và cũng được tiêu thụ trên thị trường nội địa, nhưng sản lượng sản xuất không nhiều, và kích thước phile thường không đạt chuẩn, nhỏ hơn so với cá tra nhập khẩu.
Như vậy, có thể kết thúc năm 2013, giá trị XK cá tra sẽ vẫn giảm nhẹ do tình hình chưa khả quan tại 2 thị trường NK chính cộng thêm khó khăn về tài chính của DN và người nuôi kéo dài hơn 2 năm gần đây do chính sách đảm bảo an toàn tín dụng của ngân hàng.
Theo vinanet