Theo thông lệ, dịp cuối năm nhu cầu cải tạo, sửa chữa, xây mới nhà ở tăng cao, tạo cơ hội cho thị trường vật liệu xây dựng tăng sản lượng. Nhưng tình hình tiêu thụ thép năm nay vẫn tiếp tục trầm lắng ngay trong mùa xây dựng.
Hiện giá bán thực tế tại nguồn (chưa tính VAT, giao tại nhà máy, trừ chiết khấu tối đa) khu vực phía Bắc, thép cây thông dụng phổ biến ở mức từ 12,36 - 12,95 triệu đồng/tấn, thép cuộn từ 12,3 - 12,9 triệu đồng/tấn; khu vực phía Nam, thép cây và thép cuộn thông dụng phổ biến ở mức từ 12,7 - 13,5 triệu đồng/tấn. Nếu so sánh với mức giá trước mùa vụ là khá ổn định, không tăng giá.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, năm 2013, sản lượng sản xuất sắt thép thô ước đạt khoảng 2,725 triệu tấn giảm 10,9% so với năm 2012; thép cán đạt 2,895 triệu tấn, tăng 25,5%; thép thanh, thép góc đạt 3,273 triệu tấn, tăng 1,9%.
Số liệu trên đây cho thấy năm 2013 tiếp tục là một năm khó khăn đối với ngành thép. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành đã rất tích cực, chủ động tự cứu mình bằng cách tìm thị trường xuất khẩu và cân đối lại việc làm cho người lao động. Vì vậy, sản xuất của một số chủng loại thép vẫn có tăng trưởng.
Ông Nguyễn Tiến Nghi - nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, việc xây dựng nhiều nhà máy thép đã dẫn tới tình trạng cung lớn hơn cầu. Cùng với đó, các doanh nghiệp thép của Việt Nam phải cạnh tranh với thép giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc khiến đầu ra gặp khó khăn.
Để tháo gỡ khó khăn cho ngành thép, ông Nguyễn Tiến Nghi đề nghị nhà nước có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu.
Theo vinanet