Quanh câu chuyện xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam, ý kiến chuyên gia cho rằng trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, không nên đầu tư làm đường một cách dàn trải mà tập trung vốn xây dựng đường cao tốc.
Đã thấy hiệu quả
Với một số tuyến cao tốc mới đưa vào khai thác đã thấy rõ hiệu quả, vì vậy trong điều kiện thiếu vốn nghiêm trọng, chỉ nên tập trung hoàn chỉnh hệ thống cao tốc Bắc - Nam. Đã đến lúc chúng ta không nên duy ý chí trong đầu tư giao thông, mà cần xác định làm đường xong là phải phát huy hiệu quả.
Bởi vì chúng ta có “bài học” làm đường Hồ Chí Minh phần chạy phía tây cắt qua nhiều sông suối, đồi núi, việc duy trì hoạt động tuyến đường khá tốn kém trong khi lượng xe lưu thông ít. Đó là chưa kể suất đầu tư không nhỏ và bên cạnh đó việc nghiên cứu tính toán, phân bố lại dân cư không thể làm một ngày một bữa.
Trong bối cảnh và tình hình kinh tế - xã hội đất nước hiện nay, tôi nghĩ nên dừng việc đầu tư đường Hồ Chí Minh mà tập trung vốn đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam. Đối với các đoạn đường đang làm dở dang sẽ thay bằng các dự án khác như nâng cấp quốc lộ 14 và tập trung khai thác hiệu quả đoạn 1.350km chất lượng khai thác tương đối tốt đã làm được vừa rồi.
* PGS-TS Phạm Xuân Mai (Trường đại học Bách khoa TP.HCM):
Không đầu tư dàn trải
Bộ Giao thông vận tải cần công bố lộ trình xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam và cần tập trung vốn đầu tư cho các dự án đường cao tốc, thay vì đầu tư dàn trải manh mún quá nhiều dự án mà hiệu quả không cao.
Đường cao tốc Bắc - Nam có khả năng phát huy tác dụng còn cao hơn cả đường sắt cao tốc vì tính nhanh, nhạy và mềm dẻo, thích ứng của nó cho nhiều loại hình vận tải hàng hóa và hành khách, sau này có thể nối mạng với hệ thống đường cao tốc Liên Á.
Trong những dự án đường cao tốc vừa rồi, tôi thấy có dự án làm đường cao tốc mà suất đầu tư lên đến 25 triệu USD/km là quá cao. Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải cần minh bạch công bố cụ thể suất đầu tư ở từng dự án là bao nhiêu tiền để người dân biết, kiểm soát tính hiệu quả của dự án.
Tôi đơn cử dự án xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa - nay là xa lộ Hà Nội - được xây dựng từ năm 1960 và đến những năm 1990, tức sau 30 năm sử dụng đường vẫn còn rất tốt. Thế nhưng dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (TP.HCM - Long An - Tiền Giang) mới đưa vào sử dụng chưa được hai năm mà đường bị lún và xuất hiện quá nhiều ổ gà, ổ trâu. Chất lượng đường cao tốc kém như vậy nhưng chủ đầu tư lại đổ thừa cho xe quá tải làm hư hỏng đường.
Theo tôi, việc đầu tư xây dựng đường cao tốc cần được làm một cách công khai và minh bạch. Chẳng hạn như cần nêu rõ nhà đầu tư sẽ chịu trách nhiệm ra sao khi để xảy ra đường cao tốc kém chất lượng.
Cấp thẩm quyền cần xác định suất đầu tư xây dựng đường cao tốc và nhà đầu tư phải chịu toàn bộ trách nhiệm về đầu tư dự án, không thể chấp nhận kiểu vừa đầu tư vừa điều chỉnh tăng vốn dự án như cách làm lâu nay.
Hầu hết các dự án làm đường cao tốc đều phải tránh xa khu dân cư, nhưng tôi không hiểu vì sao có những dự án làm đường cao tốc lại qua khu dân cư khiến suất đầu tư tăng cao?
Vì vậy, tôi cho rằng cần phải có một cơ quan giám sát độc lập của Quốc hội để kiểm tra giám sát những dự án đường cao tốc, thay vì chỉ có một đơn vị giám sát của nhà đầu tư trong các dự án đường cao tốc.
Theo đó, Quốc hội cần lập một nhóm chuyên gia chuyên theo dõi các dự án có quy mô lớn như các dự án đường cao tốc. Từ đây, các chuyên gia này sẽ thực hiện việc kiểm tra trong quá trình thi công, sau khi thi công và kiểm soát quá trình dự án đưa vào sử dụng.
Theo TuoiTre
* Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông:
Xác định mức độ ưu tiên để đầu tư
Hiện nay chúng ta đang tập trung mở rộng quốc lộ 1 nhưng vẫn đề ra mục tiêu phát triển đường cao tốc ở các khu vực trọng điểm và Bắc - Nam, bởi vì trục Bắc - Nam là một hành lang vận tải. Cao tốc và đường thông thường mỗi cái có công năng riêng, bổ trợ cho nhau. Cao tốc để phục vụ những loại xe con, xe khách cần đi suốt với tốc độ cao và an toàn hơn. Còn quốc lộ 1 và các quốc lộ khác dùng cho vận tải dân sinh, hàng hóa với phí thấp hơn và kết nối được nhiều hơn với các điểm dân cư và đô thị đã hình thành sẵn.
Với những đoạn có nhu cầu đi lại lớn, có khả năng phát triển nhanh trên trục Bắc - Nam vẫn cần đường cao tốc song hành với quốc lộ 1. Tuy nhiên không phải làm tất cả một lúc được mà với những đoạn nhu cầu giao thông lớn, các nhà đầu tư quan tâm và Chính phủ xác định mức độ ưu tiên sẽ kêu gọi đầu tư thực hiện. Với những đoạn làm cao tốc thì quốc lộ 1 sẽ không mở rộng hoặc mở rộng ít hơn, như đoạn quốc lộ 1 từ Dầu Giây đến Ninh Thuận chỉ cải tạo tăng cường mặt đường vì có cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Đoạn Đà Nẵng - Quảng Ngãi có cao tốc rồi thì không mở rộng quốc lộ 1...
Hiện nay, Nhà nước đang tập trung nguồn vốn cho mở rộng quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh. Đường cao tốc có vốn đầu tư rất lớn, đắt hơn đường thông thường 2-3 lần trở lên và thu phí hoàn vốn với mức khá cao để thu hút nhà đầu tư. Nhưng nếu nhà đầu tư tự huy động vốn thì khó hoàn vốn do mức đầu tư quá cao. Vì vậy, cần sự hỗ trợ của Nhà nước bằng hình thức hợp tác công tư (PPP) như đoạn Dầu Giây - Phan Thiết, đoạn Ninh Bình - Bãi Vọt (Hà Tĩnh).
Một điều đáng mừng là bây giờ người dân nhận thấy đi lại trên đường cao tốc nhanh hơn, an toàn hơn, giảm được thời gian và nhiên liệu nên sẵn sàng đóng phí để chi trả cho nhà đầu tư. Việc phát triển đường bộ cao tốc là quy luật phát triển của các quốc gia, nếu huy động nguồn lực sớm, tổ chức tốt, người dân chấp nhận chi trả để nhà đầu tư hồi vốn thì làm được nhanh hơn.
TUẤN PHÙNG |