|
Các nhà thầu tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi qua địa bàn tỉnh Quảng Nam đang đẩy nhanh tiến độ để rút ngắn thời gian hoàn thành trước cam kết.
Vượt tiến độ
Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi qua địa bàn Quảng Nam dài 91,5km. Đại diện Ban điều phối Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (trực thuộc VEC) cho biết, công trình qua Quảng Nam gồm có tổng cộng 9 gói thầu. Ngoài gói 2 mới thi công gần đây, các gói thầu số 3A và 3B qua huyện Điện Bàn đã và đang được triển khai rầm rộ.
Đại diện của Ban điều hành dự án gói thầu số 3A - ông Trần Việt Dũng cho biết, giá trị khối lượng thi công lớn, lại nằm giữa sông Thu Bồn, đoạn chảy qua thôn Kỳ Lam (thuộc xã Điện Quang) nên doanh nghiệp (DN) đã huy động 6 đơn vị thành viên tham gia. Đầu tháng 7, toàn bộ gói thầu 3A triển khai đạt khoảng 40% khối lượng thực tế. Theo tiến độ công việc và quyết tâm của đơn vị, hạng mục này dự kiến sẽ vượt tiến độ cam kết trước 6 tháng.
“Vắt” qua địa phận 2 xã Điện Quang (Điện Bàn) và Duy Trinh (Duy Xuyên), gói thầu 3B gồm có 5 cầu dài 1.491,5m và phần đường dài 1.908,5m với tổng giá trị hơn 1.214 tỷ đồng. Ông Võ Quốc Thiều - Phó Trưởng phòng Kỹ thuật công nghệ Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 - CTCP (Cienco 6), Phó Giám đốc Ban điều hành Dự án gói thầu số 3B cho hay, gói thầu phải hoàn thành vào tháng 3/2017. Đang vào mùa nắng, các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ nên vượt 3,7% so với tiến độ chung.
Hạ quyết tâm
Trên công trường gói 3A và 3B, với không khí lao động khẩn trương và đầy tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ kỹ sư, công nhân kỹ thuật của các DN, tại khu vực cầu Kỳ Lam, nhà thầu tập trung khối lượng lớn nguyên vật liệu, nhất là máy móc phục vụ thi công. Cán bộ điều hành Tổng công ty Xây dựng Thăng Long - CTCP, Giám đốc quản lý chất lượng gói thầu 3A - ông Phan Văn Quảng thông tin, trụ P15 nằm giữa sông nên đơn vị thi công phải làm trên hệ nổi bằng sà lan; đồng thời sử dụng cọc ván thép dài 21m, hệ đà giáo lớn hơn 1.000 tấn, kèm theo hệ thống cọc định vị có chiều dài hơn 24m. Cũng theo ông Phan Văn Quảng, DN phấn đấu đến giữa tháng 7 đổ xong 5/6 bệ phần hạ bộ. Với nhịp độ như hiện tại, nhà thầu tin tưởng các hạng mục dưới nước sẽ thi công đến cao độ 2.0 (cao hơn mặt nước 2m) ngay trong tháng 9.
Đứng trên cẩu tháp lớn giữa công trình, kỹ sư trẻ Lê Văn Đạo - cán bộ phụ trách về kỹ thuật, an toàn lao động và vệ sinh môi trường của Tổng công ty Xây dựng Thăng Long - CTCP chỉ cho chúng tôi xem một số hạng mục mà DN đang triển khai. “Chúng tôi động viên anh em cần thể hiện quyết tâm cụ thể trong điều kiện nắng ráo để đẩy nhanh khối lượng. Đồng thời phải chú ý các quy định về an toàn lao động, thi công đạt chất lượng và hiệu quả. Nhà thầu cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt việc đăng ký tạm trú, tạm vắng và góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương mình đang sinh sống, làm việc” - anh Đạo chia sẻ. Mới được điều động vào cầu Kỳ Lam chừng nửa tháng, công nhân Lê Anh Tuấn (quê huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) của Công ty CP Cầu 7 Thăng Long (thành viên tổng công ty) tâm sự, năm nay đã là năm thứ 7 anh thường xuyên xa gia đình để theo các công trình khắp mọi miền đất nước. Được lo chỗ ăn chỗ ở chu đáo, anh và mọi người đều thể hiện quyết tâm thực hiện nhiệm vụ được giao.
Là đơn vị thành viên của Cienco 6, Xí nghiệp Thi công cầu 6 được Tổng công ty giao đảm nhận một số hạng mục của gói thầu 3B. Mỗi ngày, xí nghiệp có hơn 150 công nhân cùng 3 dây chuyền khoan cọc nhồi, 1 trạm trộn bê tông công suất 60m3/giờ và các thiết bị, xe máy cần thiết khác. Theo ông Mai Xuân Ninh - Giám đốc Xí nghiệp: “Triển khai công việc từ đầu tháng 4, tính ra giá trị xây lắp đến nay đã đạt 100/400 tỷ đồng. Nếu được bàn giao toàn bộ mặt bằng sớm, đơn vị sẽ quyết tâm hoàn thành trước thời hạn cho phép 1 năm. Nhân dân và cán bộ vùng dự án (xã Điện Quang) luôn động viên, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thi công công trình chính là động lực để chúng tôi phấn đấu lao động hiệu quả”.
Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi qua 26 xã của 7 huyện, thành phố thuộc Quảng Nam. Tổng mức đầu tư xây dựng sau khi được điều chỉnh là 27.968 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng là 1.831 tỷ đồng, riêng đoạn qua Quảng Nam chiếm 1.047,338 tỷ đồng. Dự án đầu tư nhằm mục đích rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại giữa các trung tâm kinh tế TP.Đà Nẵng, 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi; liên kết, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, nâng cao đời sống nhân dân. Tuyến đường góp phần kết nối vận chuyển quốc tế của tam giác Lào - Campuchia - Việt Nam qua Hành lang kinh tế đông tây đến các cảng biển miền Trung nước ta; đảm bảo giao thông thông suốt, cứu trợ khẩn cấp nhân dân vào mùa mưa lũ.
Theo Báo Quảng Nam.
|