Mỗi năm ngành Đường sắt thiệt hại hàng chục tỷ đồng do phải chi phí khắc phục sự cố và TNGT. Trong số này, có nhiều vụ tòa án đã tuyên người gây TNGT phải bồi thường cho đường sắt, nhưng tiền đền bù vẫn bặt vô âm tín.
|
Sự cố và TNGT đường sắt thường gây thiệt hại rất lớn, tốn kém thời gian và kinh phí khắc phục |
Khó như... hái sao
Ông Bùi Văn Tựu - Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố thiên tai và cứu nạn đường sắt cho biết, pháp luật đã quy định mọi tổ chức, cá nhân gây ra sự cố, TNGT phải bồi thường thiệt hại, thanh toán các chi phí để giải quyết, khắc phục hậu quả. Thống kê phần lớn các vụ TNGT đường sắt đều do người và phương tiện giao thông đường bộ gây ra. Thế nhưng, ngành Đường sắt không nhận được một đồng tiền bồi thường nào.
Đặc thù của đường sắt là phải tập trung ứng cứu, khắc phục nhanh nhất hậu quả sự cố, các vụ TNGT chứ không thể chờ chủ phương tiện giao thông đường bộ thông đường. Trên thực tế, để khắc phục được một sự cố mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. “Như vụ TNGT đường sắt xảy ra tại đèo Cả (Phú Yên) đầu năm nay, chúng tôi đã phải huy động nhân lực và phương tiện cẩu từ Nha Trang ra cứu hộ. Rồi còn phải thuê cẩu đường bộ do địa hình phức tạp... Đấy là chưa kể chi phí phát sinh do hàng chục chuyến tàu bị chậm giờ. Lỗi thì từ phía đường bộ nhưng toàn bộ chi phí đường sắt phải chịu. Và đến nay vẫn không nhận được một đồng bồi thường nào” - ông Tựu nói.
Ông Tựu cho biết thêm, đối với các sự cố, TNGT đường sắt có số thiệt hại không lớn và không bị khởi tố vụ án, ngành Đường sắt không có cơ sở để đòi lại được kinh phí khắc phục.
Tòa tuyên án vẫn khó đòi
Trên thực tế, ngay cả các vụ TNGT đường sắt bị khởi tố, tòa án đã tuyên phía bị cáo phải bồi thường cho đường sắt, nhưng tuyệt nhiên không thể lấy được tiền đền bù.
Dẫn ví dụ về thực trạng này, ông Vũ Văn Luyện - Giám đốc Công ty Quản lý đường sắt Hà Ninh cho biết, năm 2010, Tòa án tỉnh Hà Nam đã xét xử vụ TNGT đường sắt tại cầu Yên Đổ (tai nạn xảy ra vào tháng 1/2010, tài xế Trần Văn Minh điều khiển ô tô tải BKS 90T-4924 va vào tàu hàng ký hiệu 438 do đầu máy D12E-660 kéo đã khiến đầu máy bị đổ rơi xuống sông, hai toa văng khỏi đường ray, hỏng cầu đường sắt Yên Đổ, tài xế lái tàu bị thương...). Bản án đã tuyên ngoài mức hình phạt 7 năm tù giam, lái xe tải Trần Văn Minh còn phải bồi thường cho phía đường sắt hơn 2 tỷ 595 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi chưa nhận được một đồng nào tiền bồi thường.
Thống kê cho thấy, từ năm 2008 đến hết năm 2013, toàn ngành Đường sắt đã xảy ra hơn 3.100 sự cố và tai nạn với tổng thiệt hại lên tới khoảng 136 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay số tiền đền bù thu về gần như là con số không. |
“Chúng tôi đã rất tích cực làm việc với phía thi hành án, nhưng cũng không thu hồi được tiền thiệt hại. Trong khi đó tài xế xe tải đang thụ án, hoàn cảnh gia đình nghèo nên không bồi thường được. Các khoản chi phí hàng tỷ đồng để khắc phục vụ tai nạn năm đấy đến giờ vẫn treo” - ông Luyện cho biết thêm.
Cũng như vậy, trong vụ TNGT đường sắt xảy ra cách đây mấy năm tại Km 50 + 306 khu gian Phủ Lý, Đồng Văn làm hư hại đầu máy và khiến tài xế Trương Xuân Thức bị cụt tay. Toà án nhân dân huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam đã tuyên phạt tài xế xe tải Đinh Xuân Tùng ba năm tù. Buộc Công ty CP Xuân Hà Lâm (đơn vị quản lý lái xe) phải bồi thường cho lái tàu Trương Xuân Thức 38,6 triệu đồng và bồi thường cho Tổng Công ty Đường sắt VN gần 1,4 tỷ đồng. Nhưng đến nay, Công ty CP Xuân Hà Lâm chưa bồi thường cho phía Tổng Công ty Đường sắt VN và anh Thức một đồng nào. Hiện việc thi hành án còn khó khăn gấp bội do Công ty Hà Lâm đang làm thủ tục phá sản và tài xế Tùng đang thụ án, gia cảnh nghèo khó không có khả năng chi trả.
Theo giaothongvantai.com.vn