Làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng chiều qua (4/7), Bộ trưởng Đinh La Thăng ủng hộ chủ trương đầu tư tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, cần phân kỳ, phân đoạn đầu tư, trước mắt chỉ làm 2 làn trước.
Ông Trương Hữu Hiệp – Giám đốc Sở GTVT Lâm Đồng cho biết, thời gian qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện đáng kể, giao thông đường bộ phát triển khá đồng bộ và hợp lý, phù hợp với định hướng quy hoạch, gắn kết được mạng lưới giao thông của địa phương và giao thông quốc gia, giữa khu vực thành thị và nông thôn. Giao thông đường hàng không cũng được đầu tư, nâng cấp, góp phần mở rộng và đa dạng các loại hình vận tải.
Mặc dù vậy, theo ông Hiệp, hệ thống giao thông đối ngoại của tỉnh đều đã quá tải, hệ thống đối nội chưa bảo đảm tính kết nối giữa các vùng miền, khu vực. “Các tuyến QL20, 27, 28, 28B, 55... là những trục giao thông huyết mạch của tỉnh được đầu tư đã lâu, xong kinh phí cho duy tu bảo dưỡng rất hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn hiện nay” – ông Hiệp nói.
Đối với hệ thống đường ngoài tỉnh, ông Hiệp cho biết, ngoài tuyến ĐT 723 được đầu tư hoàn chỉnh, các tuyến còn lại như: ĐT 721, 722, 725 chưa được thông tuyến hoàn toàn, chỉ khai thác từng đoạn. Chất lượng nền mặt đường, cầu cống chưa cao, chưa đồng bộ...
Đối với đường hàng không, ông Hiệp cho biết cảng hàng không Liên Khương được nâng cấp đạt tiêu chuẩn 4D, cho phép máy bay A320, A321 và tương đương hoạt động. Nhà ga có công suất 2 triệu hành khách/năm và 100.000 tấn hàng hóa/năm. Hiện tại, cảng hàng không này đón khoảng hơn 150 nghìn khách mỗi năm, chủ yếu khai thác các tuyến bay nội địa từ Đà Lạt đi Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Vinh và ngược lại.
Đề nghị Bộ GTVT tạo điều kiện để Lâm Đồng phát triển hạ tầng giao thông, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến kiến nghị Bộ GTVT tạo điều kiện để 2 tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai xây dựng cơ chế đầu tư Dự án đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương (tài chính, phân kỳ đầu tư…), xúc tiến kêu gọi đầu tư để có thể sớm triển khai thực hiện từ năm 2015. Cùng đó, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị Bộ GTVT ưu tiên bố trí vốn sửa chữa trung tu QL27 đoạn từ K’Rông Nô đến Liên Khương trong khi chưa thể đầu tư nâng cấp tuyên QL này cũng như tiếp tục bố trí vốn hoàn thành dự án QL27 đoạn tránh sân bay Liên Khương (đã triển khai dở dang hạng mục cầu vượt và nút giao nhưng đang bị tạm đình hoãn)…
Xúc tiến đầu tư, khai thác hiệu quả sân bay Liên Khương
Khẳng định những đề xuất của Lâm Đồng là rất cần thiết, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông rất quan trọng giúp Lâm Đồng phát triển nhanh, mạnh. Ủng hộ đầu tư Dự án cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, Bộ trưởng chỉ rõ: "Trong bối cảnh hiện nay, cần phân kỳ, phân đoạn đầu tư. Trước mắt chỉ làm 2 làn trước. Cùng đó, tiến hành phân đoạn, đoạn nào cần thiết mới làm trước”. Bộ trưởng cũng yêu cầu các cơ quan liên quan trong quý III phải báo cáo Thủ tướng phê duyệt dự án để có thể kêu gọi đầu tư.
Liên quan đến việc khai thác sân bay Liên Khương, Bộ trưởng cho biết sẽ yêu cầu Cục Hàng không VN tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư kêu gọi các hãng hàng không trong nước và nước ngoài mở các tuyến bay mới đến Đà Lạt, khai thác tốt sân bay mới được đầu tư nâng cấp này. Tổng cục Đường bộ VN, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ được giao bố trí vốn sửa chữa, đảm bảo giao thông êm thuận các tuyến QL trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục kiểm soát chặt tải trọng xe. "Đầu tư hạ tầng rồi, nhưng muốn giữ hạ tầng, không cách nào khác phải siết tải trọng xe. Cùng đó phải tiếp tục siết chặt quản lý vận tải, tổ chức tốt giao thông" - Bộ trưởng nói.
Theo giaothongvantai