"Địa phương không làm được nên Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ VN sẽ trực tiếp vào cuộc xử lý tình trạng “xe vua” đang hoành hành trên các tuyến giao thông".
|
Một chiếc “xe vua” chở quá tải trên QL1 qua Bắc Giang |
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN tại buổi triển khai quyết định thanh, kiểm tra xử lý vi phạm đối với xe tự đổ cơi nới kích thước thùng hàng ngày 15/7.
Đối đầu với 40.000 “xe vua”
Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Văn Huyện cho biết, Tổng cục sẽ trực tiếp vào cuộc xử lý toàn bộ các xe tự đổ vi phạm kích thước thùng hàng đang lưu thông trên đường, hoạt động tại các mỏ vật liệu, công trường, bến bãi trên địa bàn 63 tỉnh thành. 8 đoàn thanh tra kiểm tra xử lý vi phạm đã được Tổng cục Đường bộ VN quyết định thành lập.
Các đoàn Thanh tra của Tổng cục Đường bộ VN xử lý xe quá tải để bảo vệ đường và ATGT, song không được làm phiền doanh nghiệp mà phải tháo gỡ cho doanh nghiệp lúc khó khăn. Đoàn thanh tra xử lý vi phạm yêu cầu hạn chế đến doanh nghiệp làm việc. Xe ở trên đường, nên phải đến các điểm dừng đỗ, các mỏ vật liệu, công trường”.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ |
“Xác định việc làm này sẽ động chạm đến lợi ích của một nhóm người, nên Tổng cục yêu cầu lực lượng của mình phải đảm bảo tính độc lập cao trong thực thi nhiệm vụ. Đoàn chủ động toàn bộ kế hoạch, nhân sự, kinh phí, thực thi nhiệm vụ, ăn ngủ. Không phụ thuộc vào địa phương và doanh nghiệp” - ông Huyện nói.
Giao nhiệm vụ cho các đoàn, ông Huyện nêu rõ: Dứt khoát không được để ai tác động. Nếu có, nhất định tôi sẽ cho luân chuyển luôn.
Ông Hoàng Quyết Chiến - Giám đốc Sở GTVT Hà Giang bày tỏ: Chúng tôi ủng hộ rất cao kế hoạch này của Tổng cục Đường bộ VN. “Khi chúng tôi tiến hành cân xe ở địa phương có người còn chỉ mặt tôi: Ai cho anh cân xe. Có người dọa cho tôi ăn lựu đạn.
Nhiều người đòi tôi can thiệp cho xe quá tải qua trạm cân, tôi không chấp thuận và giải thích Bộ GTVT đã lắp camera theo dõi 24/24h toàn bộ xe qua trạm cân. Tuy nhiên, nhiều khi vẫn phải chấp thuận để cho họ đi vì sức ép lớn quá…” - ông Chiến tiết lộ.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ chỉ đạo: “Hiện có khoảng 40.000 xe tự đổ đang hoạt động, chủ yếu chở vật liệu. Vi phạm của những xe này chỉ cần xử lý theo Nghị định 171 là đã đủ sức răn đe rồi”.
Theo Điều 30 Khoản 7 của Nghị định 171, cá nhân vi phạm phạt 4-6 triệu đồng, tổ chức vi phạm phạt từ 12-18 triệu đồng. “Tôi dám khẳng định 100% xe ben tự đổ đều đang vi phạm nên sẽ không phải vất vả tìm tòi gì nhiều” - Thứ trưởng Thọ nói.
Xe vi phạm sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm
Theo kế hoạch, Đoàn thanh tra (phối hợp với một cán bộ đăng kiểm và một cán bộ Sở GTVT địa phương) sẽ thu thập, nắm bắt thông tin từ cơ sở (bao gồm cả ghi âm, ghi hình, thông tin, tài liệu khác liên quan); Thanh tra, kiểm tra đột xuất tại hiện trường nắm bắt thông tin trước khi công bố Quyết định thanh tra (không báo trước cho đơn vị); Bố trí người có thẩm quyền dừng phương tiện kiểm tra xác minh hành vi vi phạm và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Đối với phương tiện vi phạm lần đầu, sẽ đề nghị Đơn vị đăng kiểm thu hồi tem và giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, yêu cầu doanh nghiệp phải khắc phục, cắt giảm kích thước thùng hàng của xe phù hợp với quy định tại Thông tư số 32/2012/TT-BGTVT.
Vi phạm lần thứ hai trở đi, sẽ đề nghị đơn vị đăng kiểm thu hồi tem và giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, đồng thời xử phạt hành vi vi phạm “tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe không đúng thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”, buộc đối tượng vi phạm phải khôi phục lại hình dáng, kích thước và tình trạng an toàn kỹ thuật ban đầu của xe.
Sau mỗi đợt thanh, kiểm tra, Tổng cục Đường bộ VN sẽ tổng hợp danh sách xe vi phạm, đồng thời cung cấp cho các Ban QLDA thuộc ngành GTVT, đề nghị các chủ đầu tư, các Ban QLDA yêu cầu nhà thầu thi công không sử dụng phương tiện chở quá tải, không ký hợp đồng vận chuyển đối với chủ phương tiện vi phạm.
Theo atgt.vn