Bộ Giao thông Vận tải vừa trình dự thảo thông tư hướng dẫn về kiểm tra, kiểm soát an toàn đối với container.
Theo đó, tất cả các loại container khô, lạnh mới và hiện có được sử dụng trong vận tải quốc tế tại khu vực cảng biển Việt Nam đều phải được kiểm tra định kỳ bởi các cơ quan chức năng. Nội dung kiểm tra, kiểm soát bao gồm Kiểm soát hiệu lực của Biển chứng nhận an toàn container; Kiểm soát an toàn container; Kiểm tra container sau khi được sửa chữa, bảo dưỡng.
Hàng quý, chủ container phải báo cáo về tình trạng hoạt động của container cho Cảng vụ hàng hải khu vực chậm nhất vào ngày mùng 5 của quý sau. Dựa trên báo cáo tình trạng hoạt động của conatienr tại khu vực, Cảng vụ hàng hải lập kế hoạch tiến hành kiểm tra hoạt động của container tại khu vực. Trước khi tiến hành kiểm tra, kiểm soát, Giám đốc cảng vụ hàng hải ra quyết định và thông báo cho chủ container để thu xếp cho việc kiểm tra. Trước ngày 25-12, Cảng vụ hàng hải phải tổng hợp, thống kê công tác kiểm tra trong năm và xây dựng kế hoạch, chương trình kiểm tra container cho năm tiếp theo gửi về Cục Hàng hải Việt Nam. Đồng thời, hàng quý Cảng vụ hàng hải có trách nhiệm báo cáo công tác kiểm tra về Cục Hàng hải Việt Nam, chậm nhất vào ngày mùng 10 của quý sau phải gửi báo cáo của quý trước.
Trước đó, ngày 26-8-2013, Chính phủ đã có nghị quyết số 102/NQ-CP về việc đồng ý gia nhập Công ước quốc tế An toàn Container 1972 (CSC 1972). Đến ngày 30-9-2013, Tổng thư ký tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) đã xác nhận việc lưu chiểu văn kiện gia nhập Công ước CSC 1972 và thông báo Công ước sẽ có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 30-9-2014.
Công ước an toàn container 1972 được thông qua tại hội nghị giữa Liên hợp quốc và IMO vào năm 1972. Mục đích của Công ước này nhằm duy trì an toàn ở mức độ cao đối với sinh mạng con người trong vận chuyển và xếp dỡ conatiner bằng cách đưa ra các quy trình thử chấp nhận và các yêu cầu liên quan đến đảm bảo đủ sức bền sử dụng trong nhiểu năm; đồng thời tạo sự thuận tiện trong vận chuyển quốc tế hàng container thông qua việc đưa ra một cách thống nhất các quy định an toàn mang tính quốc tế, đủ để đáp ứng đối với tất cả các loại hình vận chuyển và cũng để tránh sự phát triển riêng rẽ của từng quốc gia về các yêu cầu an toàn. Các yêu cầu của Công ước áp dụng đối với phần lớn các container sử dụng trên thế giới, trừ các container được thiết kế đặc biệt để vận chuyển bằng đường hàng không.
Thanh Long