Trong khuôn khổ hoạt động của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Châu Phi, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Công thương và Đại sứ quán Iran tại Việt nam vừa tổ chức buổi “Giới thiệu về kinh doanh với nước cộng hòa hồi giáo Iran và các nước Trung Đông” tại Hà Nội.
Theo ông Lê Thái Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á, VN và Iran có mối quan hệ hợp tác hữu nghị và mối quan hệ này phát triển tốt đẹp trong thời gian qua. Hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao và đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác, trong đó có những thỏa thuận quan trọng như Thỏa thuận chung về hợp tác kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật, Hiệp định về thương mại, hiệp định hợp tác văn hóa, vận chuyển hàng không, vận tải biển, khuyến khích và bảo hộ đầu tư.
Hai nước cũng đã thành lập Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và thương mại do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn VN và Bộ trưởng Công nghiệp, Mỏ và Thương mại làm đồng chủ tịch. Đến nay, 2 nước đã tổ chức 8 kỳ họp Ủy ban hỗn hợp luân phiên tại HN và Tehran để thúc đẩy hợp tác song phương.
Kỳ họp lần thứ 8 được tổ chức tại HN vào tháng 5/2013. Tại Kỳ họp này, hai bên thống nhất đẩy mạnh hợp tác hướng tới mục tiêu nâng cao kim ngạch thương mại hai chiều lên khoảng 500 triệu USD/năm. Phía Việt Nam đề nghị Iran xem xét nhập khẩu gạo, lương thực thực phẩm cũng như cung cấp danh sách các doanh nghiệp kinh doanh về kim loại, khoáng sản, hóa chất, một số mặt hàng nông sản để doanh nghiệp Việt Nam quan tâm có thể liên hệ. Để thúc đẩy quan hệ thương mại hai chiều, hai bên cần làm rõ cơ chế thanh toán và tăng cường xúc tiến đầu tư. Việt Nam sẽ hỗ trợ các nhà đầu tư của Iran nghiên cứu, tìm hiểu thị trường. Phía Iran mong muốn nhập khẩu từ Việt Nam một số mặt hàng như gạo, cá, cao su, giày dép, hàng dệt may..., đề nghị Việt Nam nhập khẩu dầu hoặc hóa chất dầu. Hai bên cũng đồng ý các hình thức thanh toán, kể cả hàng đổi hàng, nhưng cần giao cho các cơ quan liên quan phối hợp và làm rõ thêm. Phía Iran cũng sẵn sàng cử cán bộ kỹ thuật sang hỗ trợ Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực khai khoáng.
Hai bên đều cho rằng có nhiều cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là lĩnh vực thủy sản cần sớm tìm ra phương thức hợp tác trực tiếp. Tại kỳ họp này, hai bên cũng thống nhất sớm hoàn tất việc ký Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần và thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực hải quan giữa hai nước.
Kết thúc phiên họp, hai Bộ trưởng đã thống nhất và ký kết Biên bản Kỳ họp lần thứ 8 Ủy ban Hỗn hợp về Kinh tế và Thương mại Việt Nam-Iran với những cam kết và sáng kiến mới.
Theo VCCI, phía Iran muốn tăng cường hợp tác với VN trong các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, dầu khí, sản xuất xi măng, phân bón, trồng và chế biến cao su, chè và đẩy mạnh trao đổi thương mại với VN. Iran có nhu cầu nhập khẩu với số lượng lớn gạo loại 5% (theo tiêu chuẩn Iran), chè, cà phê, hạt tiêu, cao su loại SVR 20, quần áo, giầy dép, phụ tùng xe máy và xe đạp của VN. Việt Nam có thể nhập khẩu từ Iran nhựa đường, đồng nguyên liệu, các sản phẩm hoá chất với giá cả cạnh tranh và chất lượng hợp lý. Thống kê cho thấy, kim ngạch thương mại 2 chiều năm 2013 mới chỉ đạt khoảng 104.3 triệu USD.
Về đầu tư, Petro Việt Nam đã ký hợp đồng triển khai dự án thăm dò tại lô Danan với tổng số vốn đầu tư có thể lên đến trên 115 triệu USD; MOU về dự án khai thác trị giá khoảng 1 tỷ USD (gấp 10 lần dự án Danan). Tuy nhiên, do khó khăn trong quá tình triển khai, Petro Việt Nam đã được I-ran đồng ý cho giãn tiến độ thực hiện dự án lô Danan thêm 1 năm (8/2012-8/2013) và đang tiếp tục xin giãn/dừng triển khai dự án.
Theo ông Hòa, để thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại giữa VN- Iran, ở cấp độ nhà nước, 2 bên cần tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn các cấp đi thăm lẫn nhau; sớm ký kết các thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thuế, du lịch, hải quan để tạo thuậnlợi cho các hoạt động của DN; tăng cường trao đổi thông tin về cơ chế chính sách, quy định nhập khẩu, các cơ hội giao thương giữa các cơ quan hữu quan của 2 bên.
Ngoài ra, theo ông Hòa, đề nghị phía Iran nối lại việc nhập khẩu gạo từ VN với số lượng lớn; tổ chức các cuộc hội thảo ở mỗi nước để giới thiệu tiềm năng và lợi thế so sánh của mỗi bên; đặc biệt, cần hỗ trợ các DN trong việc tìm kiếm cơ hội giao thương, bạn hàng và đối tác có nhu cầu hợp tác với nhau…
Đối với DN và hiệp hội ngành hàng, ông Hòa cho rằng, cần tăng cường công tác nghiên cứu, khảo sát thị trường; tham gia hội chợ, triển lãm; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại và tổ chức các hội thảo giao thương ở mỗi nước. Đặc biêt, các DN cần đa dạng hóa các mặt hàng xuất nhập khẩu của 2 bên, chủ động nghiên cứu, tìm hiểu các cơ hội hợp tác đầu tư.
Theo vccinews