Ngành tôm Thái Lan đang phải đối mặt với cáo buộc về sử dụng lao động bất hợp pháp và theo đó nhu cầu và giá tôm trên thị trường thế giới sẽ tăng lên.
Hiện nay, ngành tôm Thái Lan đang đứng trước nhiều khó khăn như sản lượng giảm mạnh do ảnh hưởng của EMS (Hội chứng tôm chết sớm), EU cắt giảm ưu đãi thuế quan cho mặt hàng tôm chín của nước này trong năm nay và năm tới là tôm nguyên liệu, và gần đây nhất là thông tin về việc sử dụng lao động bất hợp pháp trong ngành thủy sản của nước này.
Ngay sau khi tờ Guardian của Anh đưa tin về việc tàu khai thác thủy sản của Thái Lan sử dụng lao động bất hợp pháp và thậm chí giết người cung cấp nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến bột cá trong đó có Charoen Pokphand Foods, Tập đoàn bán lẻ Carefour đã tuyên bố ngưng mua hàng từ CP Foods cho đến khi sự việc được làm sáng tỏ.
Trong thông cáo báo chí đăng tải sau tuyên bố của Carrefour, CP Foods đã làm rõ tình hình và cho biết tập đoàn bán lẻ này chỉ chiếm 4 triệu USD trong giá trị XK của mình, tương đương 0,03% trong tổng doanh thu 12 tỷ USD năm ngoái.
Trước diễn biến này, nhiều nhà NK tôm EU lo ngại giá tôm có thể sẽ tăng lên bởi Thái Lan cung cấp một lượng lớn tôm cho thị trường này. Trung Quốc quay trở lại thị trường nhờ nguồn cung trong nước được cải thiện đã giúp “hạ nhiệt” giá tôm trên thị trường thế giới.
Sản lượng tôm của Thái Lan đã giảm từ mức 500.000 tấn xuống còn 250.000 tấn do EMS và giá tôm nước này cao hơn so với Ecuador, Indonesia, Ấn Độ và Việt Nam.
Một khách hàng Châu Âu cho biết, cho đến nay, lý do duy nhất khiến nhiều nhà NK, nhà bán lẻ dè dặt mua tôm Thái Lan là vì giá cao hơn so với các nguồn cung khác.
Năm 2014, tôm chế biến Thái Lan (bao gồm cả tôm HLSO hấp) XK sang EU không được hưởng thuế suất 7% mà tăng lên 20%. Kể từ năm 2015, tôm nguyên liệu của nước này sẽ phải chịu thuế 12% thay vì 4,2% hiện nay khi XK sang EU.
Sau một tuần tranh cãi về lạm dụng lao động trong ngành thủy sản của Thái Lan, nước này đã phản đối nghị định thư chống lạm dụng lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) gây sốc và phẫn nộ trong cộng đồng quốc tế.
Thái Lan sau đó phải quay lại tham gia bỏ phiếu cho nghị định thư này đã được thông qua tại hội nghị ILO ở Geneva, Thụy Sĩ mới đây với 437 phiếu thuận, 27 phiếu trắng, và tám phiếu phản đối. Bốn trong số đó là từ Thái Lan.
Ngoài vấn đề về lạm dụng lao động, ngành thủy sản Thái Lan đang chịu sức ép từ dư luận về nạn buôn người mà sẽ được công bố trong báo cáo của Mỹ trong tháng 6 này.
Cơ hội để nâng cấp ngành tôm
Nguy cơ bị hạ bậc trong báo cáo về tình hình buôn người của Mỹ có thể là cơ hội cho Thái Lan cải thiện hơn nữa một số ngành công nghiệp.
Thái Lan được xếp loại 2 trong báo cáo năm 2012 và có nguy cơ bị hạ bậc trong báo cáo năm 2014 sẽ được công bố vào tháng 6 này. Nếu bị hạ bậc xuống cấp tương đương như Iran và Bắc Triều Tiên, các nhà NK Mỹ khó có thể tiếp tục mua tôm Thái Lan do lo ngại ảnh hưởng tới danh tiếng của công ty họ.
Cùng với áp lực thiếu tôm nguyên liệu do EMS, đại diện một công ty chế biến tôm Thái Lan cho rằng đây là cơ hội cho ngành tôm nước này “nâng cấp”.
Nguồn: Vasep
|