Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2014 ước đạt 7,9 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự tăng trưởng này chủ yếu nhờ vào kết quả xuất khẩu của mặt hàng tôm, với giá trị xuất khẩu cao nhất từ trước tới nay khoảng 4,1 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2013.
Tôm là mặt hàng có mức tăng trưởng cao nhất trong nhóm các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chính của Việt Nam.
Tốc độ tăng trưởng mạnh của mặt hàng tôm đã góp phần quan trọng để duy trì nhịp độ tăng trưởng khá trong xuất khẩu của toàn ngành thủy sản, trong khi vẫn còn một số mặt hàng xuất khẩu quan trọng khác vẫn có xu hướng giảm. Tôm chân trắng tiếp tục vượt xa tôm sú với giá trị xuất khẩu đạt gần gấp đôi.
Về thị trường xuất khẩu, Mỹ tiếp tục là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu tôm Việt Nam, mặc dù trong vài tháng cuối năm xuất khẩu tôm vào Mỹ có sự giảm sút so với nửa đầu năm. Sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Indonesia và Ecuador là tác nhân chính dẫn tới sự sụt giảm này.
Xuất khẩu tôm sang EU tiếp tục tăng mạnh và trở thành thị trường có sức tăng trưởng cao nhất trong nhóm năm thị trường tiêu thụ chính tôm Việt Nam.
Ngoài ba thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản và EU, xuất khẩu tôm sang nhiều thị trường khác như Hàn Quốc, Australia, Canada... cũng có sự tăng trưởng khả quan với hai con số.
Đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, nuôi tôm nước lợ cũng được đánh giá nổi bật nhất trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Tận dụng bối cảnh thị trường các nước như Thái Lan, Trung Quốc chưa hồi phục, các địa phương tiếp tục phát triển mạnh nuôi tôm chân trắng, tôm vụ ba thâm canh ở những vùng phù hợp. Do vậy, cơ cấu tỷ lệ nuôi tôm sú và tôm chân trắng có sự dịch chuyển khá lớn.
Tỷ lệ diện tích nuôi tôm chân trắng và tôm sú tương ứng là 12,5% và 87,5% trong khi đó tỷ lệ về sản lượng tôm chân trắng và tôm sú tương ứng đạt 56,9% và 43,1%.
Sự phát triển của tôm chân trắng đóng góp lớn trong việc tăng sản lượng của nuôi trồng thủy sản trong năm 2014. Ngành nuôi tôm cả nước có sự phát triển vượt bậc, là điểm sáng trong các mặt hàng nông sản nói chung và thủy sản nói riêng.
Trong bối cảnh các thỏa thuận hiệp định song phương với các thị trường xuất khẩu lớn sắp được ký kết, nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU, từ đầu 2015, hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường này sẽ được hưởng nhiều ưu đãi về thuế.
Tuy nhiên, đồng thời với đó cũng gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu cao theo tiêu chuẩn quốc tế như sản phẩm thủy sản bền vững, tăng các đòi hỏi về truy nguyên nguồn gốc.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, mặc dù nhu cầu nhập khẩu thủy sản từ Mỹ, EU, Nhật Bản... còn rất lớn nhưng giải pháp để cạnh tranh quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản là phải bằng con đường chất lượng.
Việt Nam cần tập trung cạnh tranh phải bằng chất lượng mới duy trì được mức tăng trưởng, duy trì được hàm lượng giá trị gia tăng.
Năm 2014, cả nước ước thả nuôi được 685.000ha tôm nước lợ (đạt 102,2% kế hoạch), trong đó tôm sú đạt 590.000ha, tôm thẻ chân trắng 95.000ha, sản lượng thu hoạch 660.000 tấn (đạt 120% kế hoạch và tăng 20,4% so năm 2013)./.
Theo VIETNAM+