Ông Đặng Hoàng Giang, Phó Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam (VINACAS) cho biết, từ năm 2006 đến nay, Việt Nam luôn đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều. Năm 2013, xuất khẩu ngành hàng này đạt 1,8 tỷ USD và dự kiến đạt từ 2 đến 2,2 tỷ USD trong năm nay.
Mặc dù xuất khẩu điều thời gian qua có sự tăng trưởng mạnh và ổn định nhưng chưa có sự bền vững. Cụ thể, diện tích điều ít, năng suất thấp do diện tích điều già cỗi nên thu nhập của bà con thấp. Theo tính toán của VINACAS, nếu bình quân 2,5 tấn/ha thì bà con mới có thu nhập ổn định và sống được nhờ cây điều.
Đặc biệt, sản lượng điều hiện nay mới chỉ đáp ứng được 50% công suất chế biến, còn lại phải nhập khẩu. Thế mạnh của Việt Nam là công nghiệp chế biến nhưng chủ yếu vẫn là chế biến thô, chế biến sâu có giá trị gia tăng cao còn thấp. Số lượng tham gia chế biến, xuất khẩu điều nhiều nhưng quy mô nhỏ, vốn phụ thuộc lớn vào vốn vay ngân hàng.
Thêm vào đó, trong khi thị trường xuất khẩu điều rộng mở thì tiêu thụ nội địa quá ít, dẫn tới phụ thuộc quá nhiều vào thị trường xuất khẩu. Khi thị trường nhập khẩu biến động ngành điều sẽ gặp khó khăn.
Ông Giang dẫn chứng, Ấn Độ - đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam, thị trường nội địa trong một số thời điểm nhất định là cứu cánh cho ngành khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn.
Để ngành điều phát triển ổn định, bền vững, vị đại diện VINACAS kiến nghị, Bộ NN&PTNT sớm trình đề án tái cơ cấu phát triển điều bền vững đến 2020, tầm nhìn đến 2030. Yếu tố quan trọng nhất để đạt mục tiêu 2,5 tỷ USD vào năm 2020 là nguồn vốn tín dụng của ngân hàng phục vụ cho thu mua, chế biến XK điều phải đáp ứng đầy đủ.
Ngân hàng Nhà nước quan tâm chỉ đạo ngân hàng thương mại cấp hạn mức tín dụng hàng năm cho ngành điều và có nhiều chính sách tín dụng hỗ trợ xuất khẩu hỗ trợ ngành điều để nâng cao năng lực cạnh tranh như giảm lãi suất, đơn giản điều kiện cho vay đối với doanh nghiệp điều…
Với kiến nghị về vấn đề lãi suất, theo ông Phạm Xuân Hòe, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), nhiều ngân hàng thương mại có gói lãi suất cho vay để hỗ trợ xuất khẩu rất thấp, 6% hoặc 5% cũng có. Vấn đề ở chỗ 2 bên đàm phán như thế nào để cung ứng dịch vụ của ngân hàng. Ví dụ như, sau này doanh nghiệp phải bán trọn vẹn ngoại tệ cho ngân hàng, sử dụng dịch vụ mở L/C. Trong bài toán tổng thể như vậy, ngân hàng có thể cho vay lãi suất thấp, doanh nghiệp hoàn toàn có thể đàm phán và giải quyết được vấn đề lãi suất.
Được biết, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định 1050/2014/QĐ-NHNN qui định về việc cho vay thí điểm đối với các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Chính sách này sẽ tạo ra bước đột phá để giải quyết 2 vấn đề quan trọng sản xuất không có quy hoạch theo vùng, không tạo vùng chuyên canh hàng hóa lớn, không có doanh nghiệp hạt nhân để làm đầu mối cung cấp từ đầu vào đến đầu ra. Đây là chính sách kết hợp rất tốt giữa Bộ NN&PTNT với Ngân hàng Nhà nước tạo ra sự lan tỏa trong sản xuất hàng hóa vây quanh là các hộ nông dân làm vệ tinh cho các doanh nghiệp.
“Phương thức cho vay theo chuỗi giá trị này tháo gỡ căn bản về băn khoăn của các doanh nghiệp cũng như hộ dân về tài sản thế chấp. Nếu các chủ thể tham gia trong chuỗi cam kết ký hợp đồng với nhau tạo dòng tiền khép kín, ngân hàng quản lý được dòng tiền sẽ cho vay tín chấp”, vị đại diện Ngân hàng Nhà nước cho hay.
Nguồn: Báo Hải quan