Bên cạnh việc mở rộng thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đề xuất Chính phủ hỗ trợ nông dân một phần chi phí sản xuất và tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường.
Chủ động trước những khó khăn
Tại họp báo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn vừa diễn ra cuối tháng 6/2014, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, tình hình tiêu thụ nông sản hàng hóa 4 tháng đầu năm đã có những chuyển biến tích cực so với cùng kỳ năm 2013, giá trị xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực tăng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ căng thẳng trên biển Đông, trao đổi một số loại nông sản hàng hóa giữa hai nước Việt- Trung có biến động.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu toàn ngành ước đạt năm ước đạt 14,88 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, trong tháng 5 và tháng 6 giá trị xuất khẩu toàn ngành lại giảm khá mạnh. Thực tế, hiện nay nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đang phụ thuộc khá nhiều vào thị trường Trung Quốc, trong đó lúa gạo, cao su, thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng, còn thanh long, vải, bột sắn, thị trường này chiếm 80-90%.
Trước thực trạng này, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ Công Thương và các ngành liên quan, tích cực chỉ đạo, theo dõi sát sao diễn biến tình hình, đề xuất các giải pháp tháo gỡ, đẩy mạnh hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường công tác thông tin, quảng bá nông lâm thủy sản đến người tiêu dùng thông qua các kênh thông tin- truyền thông trong và ngoài nước; tổ chức làm việc với các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan chức năng của các quốc gia nhập khẩu để ký kết thỏa thuận hợp tác, gỡ bỏ rào cản, tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu.
Hiện, Trung Quốc hiện đang là thị trường xuất khẩu chính mặt hàng cao su và nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam.Theo Bộ NN&PTNT, thị trường này đang đứng trước nguy cơ không ổn định, vì vậy việc tìm kiếm thị trường tháo gỡ khó khăn cho mặt hàng nông sản được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong toàn ngành nông nghiệp trong thời gian tới. Bộ NN&PTNT đưa ra nhận định sẽ phải đưa ra giải pháp quyết liệt để tránh tình trạng hàng hóa khó khăn tiêu thụ, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục triệu hộ nông dân trên cả nước.
Đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, Bộ đã rà soát lại về các thị trường và chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các bộ ngành có liên quan làm việc với các nước để tháo gỡ những cái vướng mắc về kỹ thuật cũng như vận động các nước để mở cửa thị trường. Nhiều thị trường tiềm năng đang được Bộ NN&PTNT xúc tiến thương mại như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Argentina...
Ở trong nước, Bộ sẽ làm việc với các hiệp hội, các doanh nghiệp để làm rõ các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng cố gắng cao nhất để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu. Đối với sản xuất, Bộ cũng rà soát và thông tin cho các địa phương, nhân dân về tình hình thị trường để có sự điều chỉnh phù hợp về quy mô sản xuất.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, định hướng trong tương lai thay vì sản xuất và xuất khẩu hàng loạt các sản phẩm nông sản giá rẻ, chưa qua chế biến, số lượng nhiều bằng những mặt hàng nông sản chất lượng cao đã qua chế biến, giá cao và hướng tới những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU... Đây là một trong những giải pháp trong phát triển các mặt hàng nông sản, đẩy mạnh xuất khẩu và tránh phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung tái cơ cấu ngành để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, cố gắng duy trì mục tiêu tăng trưởng GDP của ngành theo mục tiêu đề ra là 3%.
Hiện Việt Nam đã đạt được những thỏa thuận để xuất hàng nông sản sang thị trường Argentina. Bộ NN&PTNT cũng đang cử các đoàn công tác sang Mỹ để tháo gỡ khó khăn với cá tra do Luật Nông trại của Mỹ, đang cử đoàn sang Nga để đàm phán mở cửa lại thị trường thủy sản.
Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử