|
Dù khó khăn đến mấy, trong quý 1/2015, Vinalines sẽ quyết tâm thực hiện IPO (chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng), Tổng giám đốc Vinalines Lê Anh Sơn vừa cho biết.
Trước đó, theo đề án tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã được Thủ tướng phê duyệt, đối với công ty mẹ - tổng công ty, sẽ hoàn thành việc xác định giá trị doanh nghiệp, xây dựng phương án cổ phần hóa trình Thủ tướng phê duyệt trong năm 2014, quý 1/2015 sẽ thực hiện IPO.
Theo ông Sơn, một trong những khó khăn lớn nhất khi tiến hành tái cơ cấu Vinalines là ảnh hưởng của diễn biến giá cước vận tải biển, nhất là khi giá cước vận tải biển thế giới đang suy giảm rất sâu. Dù hiện tại, thị trường vận tải biển có ấm dần lên, nhưng Vinalines vẫn ít đơn hàng.
Vì thế, Vinalines đã xin một số ưu đãi đặc biệt và đã được Chính phủ chấp nhận, như việc xóa dư nợ lãi vay tại Ngân hàng Phát triển (VDB) cho Vinalines đến 31/12/2013. Riêng số nợ gốc hơn 2.000 tỉ đồng được khoanh lại trong hai năm (31/12/2013 đến 31/12/2015).
Còn đối với khoản nợ tại 23 tổ chức tín dụng khác, Vinalines phải tự đàm phán với các ngân hàng để cơ cấu lại thời hạn trả nợ phù hợp với dòng tiền của doanh nghiệp theo hướng khoanh nợ gốc 3 năm (từ 31/12/2013 đến hết 31/12/2016).
Chính phủ cũng đã đề nghị các ngân hàng xem xét miễn giảm lãi vay đến hết năm 2013 cho Vinalines.
Mặt khác, trong đề xuất gửi lên Chính phủ năm 2013, Vinalines có kiến nghị về tái cơ cấu nợ như: xin loại 5 con tàu khỏi danh mục tài sản xác định giá trị doanh nghiệp, xin loại chi phí xây dựng cơ bản dở dang của 4 tàu đang đóng; giảm nợ gốc theo phương án giảm trừ 60% hoặc 70% nghĩa vụ nợ, bán tài sản trả nợ, cho chủ nợ hoán đổi nợ thành vốn góp tại các công ty sau cổ phần hóa, miễn giảm lãi, khoanh và giãn nợ.... Sau khi nghe Vinalines đề xuất, các ngân hàng đã chấp nhận xóa lãi, không tính lãi hàng triệu đô.
Theo vneconomy.vn
|