|
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường lớn ở châu Phi như Nam Phi, Ai Cập, An-giê-ri, Nigeria và Tanzania có sự tăng trưởng, trong khi một số thị trường quan trọng khác có kim ngạch xuất khẩu giảm là Angola, Bờ Biển Ngà, Gha-na, Mô-dăm-bích và Senegal.
Những mặt hàng xuất khẩu chính có kim ngạch tăng chủ yếu là hàng công nghiệp như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc thiết bị, giày dép, sản phẩm dệt may, vật liệu xây dựng. Ngoài ra còn có nhóm hàng thủy sản, cà phê, hạt tiêu. Mặt hàng xuất khẩu chủ lực có kim ngạch giảm mạnh là gạo do sự cạnh tranh gay gắt của gạo giá rẻ Thái Lan, Ấn Độ.
Nam Phi tiếp tục là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam tại châu Phi. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu sang Nam Phi đạt 380 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm điện thoại và linh kiện đạt 206,6 triệu USD (-4%), giày dép 41,23 triệu USD (+19%), máy vi tính, sản phẩm và linh kiện 26,89 triệu USD (+115%), cà phê 14,46 triệu USD (+190%), máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng 13,34 triệu USD (+82 %), hàng dệt may 11,28 triệu USD (+26%), gạo 8,7 triệu USD (+1%), hạt tiêu 7,3 triệu USD (-10%), hạt điều 4 triệu USD, gỗ và sản phẩm gỗ 4 triệu USD, sản phẩm hóa chất 3,6 triệu USD, sản phẩm từ sắt thép 3,6 triệu USD, phương tiện vận tải và phụ tùng, 2,3 triệu USD…
Xuất khẩu sang Ai Cập đã có sự phục hồi mạnh mẽ sau những bất ổn chính trị thời gian vừa qua. Kim ngạch xuất khẩu sang Ai Cập đã đạt 168 triệu USD, tăng 37%, trong đó hàng thủy sản đạt 31,49 triệu USD (+2%), hạt tiêu 25,79 triệu USD (+23%), xơ, sợi dệt các loại 21 triệu USD (+37%), phương tiện vận tải và phụ tùng 9,2 triệu USD (+29%), máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng 7,4 triệu USD (+4%), cà phê 5,25 triệu USD (+15%), hàng dệt may 3 triệu USD, sắt thép các loại 1,8 triệu USD, …
Kim ngạch xuất khẩu An-giê-ri đạt 139,79 triệu USD, tăng 58% so với cùng kỳ 2013, trong đó cà phê chiếm 53,4 triệu USD (+106 %), điện thoại và linh kiện 50 triệu USD (+362%), gạo 4 triệu USD (giảm gần 6 lần so với con số 23,6 triệu USD)… Giá trị xuất khẩu tăng chủ yếu dựa vào hai sản phẩm là cà phê và điện thoại di động.
Xuất khẩu sang Nigeria đạt 99 triệu USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước, trong đó máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 51,2 triệu USD (+24%), hàng dệt may 14,88 triệu USD (+79%), phương tiện vận tải và phụ tùng 4,2 triệu USD (+10%).
Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Ghana đạt 101 triệu USD, giảm 2%, trong đó gạo chiếm 67,61 triệu USD (-11%) với tổng khối lượng 127.661 tấn, bánh kẹo và sản phẩm ngũ cốc 1,5 triệu USD, hàng dệt may 168.695 USD.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Bờ Biển Ngà đạt 64 triệu USD, giảm 34% so với 6 tháng đầu năm 2013, trong đó xuất gạo chỉ đạt 26,63 triệu USD (- 70%), hàng dệt may đạt 15,72 triệu USD.
Kim ngạch xuất khẩu sang Angola đạt 38,4 triệu USD, giảm 43%. Nguyên nhân là do xuất khẩu mặt hàng gạo sụt giảm, chỉ đạt 3,9 triệu USD thấp hơn nhiều so với con số 39 triệu USD của cùng kỳ năm 2013. Xuất khẩu dệt may cũng chỉ đạt 5,2 triệu USD, giảm 14%. Trong khi đó, xuất khẩu clanhke và xi măng đạt 7 triệu USD (+40%), kim loại thường và các sản phẩm đạt kim ngạch 1,2 triệu USD (+9%).
Kim ngạch xuất khẩu sang Mô-dăm-bích chỉ đạt 31,49 triệu USD, giảm 30% với các mặt hàng chính là gạo, dệt may, clanhke và xi măng.
Kim ngạch xuất khẩu sang Tanzania đạt 17,49 triệu USD, tăng 49% so với cùng kỳ năm trước trong đó các mặt hàng chủ yếu là gạo, máy vi tính, sản phẩm và linh kiện.
Kim ngạch xuất khẩu sang Togo đạt 15,87 triệu USD, giảm 28% trong đó mặt hàng clanhke và xi măng chiếm 5 triệu USD.
Giá trị xuất khẩu sang Senegal đạt 18,2 triệu USD, giảm 36% so với 6 tháng đầu năm 2013, trong đó phương tiện vận tải và phụ tùng 4,7 triệu USD (-33%), hàng dệt may chiếm 2,2 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu gạo tiếp tục giảm sút, chỉ đạt 666.388 USD so với 13,8 triệu USD của cùng kỳ năm ngoái.
Kim ngạch xuất khẩu sang Kenya đạt 15,73 triệu USD, giảm 36% do giảm xuất khẩu mặt hàng gạo và hàng dệt may.
Theo trang mạng Oryza, Ủy ban Ngũ cốc quốc tế (IGC), khu vực các nước châu Phi cận sa mạc Sahara có thể nhập 14,6 triệu tấn gạo các loại. Riêng Nigeria, một trong những nước nhập khẩu gạo nhiều nhất, dự báo sẽ tăng 15% lên 3,1 triệu tấn gạo so với mức 2,7 triệu tấn gạo năm 2013. Với các nước châu Phi khác như Bờ Biển Ngà, Ghana và Senegal cùng với Nam Phi dự đoán nhập gạo tăng trên mức trung bình.
Theo Báo Thương Mại.
|