80% lượng container hàng tại khu vực TP HCM phải qua cảng này nên mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh đã bị ảnh hưởng dây chuyền.
Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (đơn vị quản lý và khai thác cảng Cát Lái) đã nêu ra một số lý do gây ùn tắc, như: lượng hàng nhập khẩu tăng mạnh, áp dụng quy trình thông quan điện tử mới, việc siết chặt tải trọng xe (từ ngày 1-4) khiến khâu vận chuyển hàng chậm hơn trước... Để tháo gỡ, đơn vị này đã áp dụng hàng loạt biện pháp, bao gồm: khống chế thời gian hạ bãi container, định mức lượng container rỗng cho từng hãng tàu, đặc biệt là tăng nhiều loại phí để buộc doanh nghiệp (DN) lấy hàng sớm...
Phải chờ thêm một thời gian đáng kể nữa tình trạng ùn tắc mới có thể giảm song hàng loạt tác động bất lợi ngay lập tức đã diễn ra. Hàng trăm DN mòn mỏi chờ đến lượt nhận hàng ngày này qua ngày khác vừa tốn chi phí nhân công, phương tiện, phí bến bãi vừa bị chậm đơn hàng, có thể bỏ lỡ cơ hội làm ăn, thậm chí bể hợp đồng, phải đền cho đối tác. Chưa hết, tình trạng kẹt tắc nghiêm trọng còn kéo dài ra đến cầu Phú Mỹ, đẩy DN vào thế bí bách thêm.
Nhiều vấn đề bất cập đã lộ ra qua “bài học Cát Lái”, trong đó có việc quy hoạch cầu cảng. Trong lúc Cát Lái “đông như kiến” thì cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) “vắng như chùa Bà Đanh” vì không được DN chọn do xa, tốn nhiều chi phí vận chuyển. Cảng VICT (quận 7) và cảng SPCT Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP HCM) cũng hiện đại, năng lực bốc dỡ không kém, cự ly lại gần, sao không “chia lửa” cho Cát Lái? Đây là vấn đề các nhà quản lý phải tính toán, điều phối cho phù hợp, nếu không thì tình trạng ùn ứ ở Cát Lái sẽ tái diễn.
Việc tăng một số loại phí ở cảng Cát Lái vào thời điểm này cũng không hợp lý. Rất hiếm DN nhập hàng về rồi cho nằm ì ở cảng để phải đóng phí lưu bãi. Đó là chưa kể đến thể trạng của cộng đồng DN hiện chưa cải thiện. Sau nhiều năm dài kinh tế suy thoái, DN nói chung vẫn còn chật vật; đặc biệt, họ đã phải gánh rất nhiều loại thuế, phí rồi.
Ở lĩnh vực cảng biển, trung bình mỗi DN phải chịu hơn 10 loại thuế, phí; ở lĩnh vực vận tải đường bộ, phải chịu đến hơn 13 loại thuế, phí; đó là chưa kể nhiều loại “phí không tên” khác. Ở Việt Nam, lượng thuế và phí DN phải đóng thuộc nhóm cao nhất thế giới.
Viết đến đây, chợt nhớ truyện ngụ ngôn về con lừa và chiếc áo. Một người nọ trên đường đánh lừa về nhà gặp gì cũng nhặt và chất hết lên lưng con vật, nào gỗ, nào đá, nào gạo, nào củi... Con lừa đuối quá, đi không nổi. Trời nắng, ông ta cởi áo, vắt lên lưng lừa. Con lừa liền ngã quỵ, bị ông mắng: “Đồ con lừa! Đến chiếc áo mà chở cũng không nổi...”.
Trong lúc DN đang chạy bở hơi tai để tồn tại thì nên có cách hỗ trợ thay vì vắt sức họ đến kiệt cùng!
Theo Báo Người lao động.