“Việt Nam là quốc gia có tên tuổi trong bản đồ xuất khẩu thế giới đối với một số mặt hàng nông sản và công nghiệp như cà phê, hạt tiêu, tôm, cá tra, dệt may… nhưng vẫn còn rất nhiều những tồn tại làm ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả xuất khẩu” là thông tin được các đại biểu đưa ra tại hội thảo quốc gia đánh giá tiềm năng xuất khẩu do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức sáng nay, ngày 30/7 tại Hà Nội.
Hội thảo được tổ chức nhằm công bố kết quả nghiên cứu đánh giá, giới thiệu các kết luận về ngành hàng có tiềm năng xuất khẩu và kế hoạch hành động đối với ngành hàng này trong Giai đoạn chính của Chương trình “Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV) thông qua hệ thống xúc tiến thương mại địa phương” gọi tắt là Chương trình hỗ trợ DNNVV Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam hiện nay, thương mại ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế quốc dân, chiếm tỷ trọng khoảng trên 60% GDP. Với nhiệm vụ đề ra cho giai đoạn 2011- 2015 là “Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 12%/năm, giảm nhập siêu phấn đấu đến năm 2020, cân bằng được xuất nhập khẩu” thì trên thực tế, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2013 đã đạt 264,26 tỷ USD, tăng 15,7% so với năm 2012, trong đó xuất khẩu đạt 132,13 tỷ USD, tăng 15,3% so với năm trước, bình quân kim ngạch xuất khẩu gia tăng 3 năm qua gần 20 tỷ USD/ năm.
Theo báo cáo tại hội thảo, một số nhóm, ngành hàng có tiềm năng xuất khẩu cao là: Sắn, cà phê, cao su, tiêu và gia vị, mây tre lá, gốm sứ và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ... Giá trị xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam đạt 1,37 tỷ USD trong năm 2012 và 1,1 tỷ USD năm 2013. Thị phần của sắn Việt Nam trên thị trường thế giới đạt 27,3%. Ngành cà phê Việt Nam cũng chủ yếu hướng tới xuất khẩu, với lượng xuất khẩu chiếm 95% sản lượng sản xuất. Cà phê Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao nhờ điều kiện môi trường và khí hậu ưu đãi, chi phí sản xuất thấp, sản lượng thuộc hàng những nước cao nhất trên thế giới.
Ngoài ra, theo ông Hải, cùng với sự chuyển dịch tích cực của cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng được cải thiện theo hướng tăng sản phẩm công nghiệp chế tạo và chế biến, giảm xuất khẩu thô và nâng cao giá trị gia tăng trong kim ngạch xuất khẩu.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Tư vấn Trưởng Đánh giá tiềm năng xuất khẩu cho biết, một số nhóm ngành hàng có tiềm năng xuất khẩu trung bình là: Rau quả, chè, mật ong, điều và các loại hạt… Những nhóm, ngành hàng có tiềm năng xuất khẩu thấp của Việt Nam là: Lúa gạo, mía đường và các sản phẩm thêu ren…. Mặc dù xuất khẩu gạo tăng liên tục về sản lượng trong những năm qua, giá trị thu được từ xuất khẩu gạo chưa tăng tương xứng. Trong năm 2013, dù doanh thu từ xuất khẩu gạo đã giảm nhẹ so với năm 2012 nhưng vẫn đạt mức gần 3 tỉ USD (6,6 triệu tấn).
Thêm vào đó, bà Hằng nhấn mạnh, thị trường gạo thế giới đang ở mức dư thừa dự trữ cùng với sự có mặt của nhiều nhà cung cấp mới, thị trường xuất khẩu mặt hàng của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong những năm tới. Do đó, dù vẫn tiếp tục xem xuất khẩu gạo là mặt hàng nông sản chiến lược, tiềm năng xuất khẩu gạo vẫn được các chuyên gia đánh giá là thấp.
Cũng theo thông tin tại hội thảo, những tồn tại làm ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả xuất khẩu là: Giá trị gia tăng thấp, chất lượng sản phẩm xuất khẩu thấp, lợi thế về chi phí nhân công không bền vững, đặc biệt là với nhóm ngành điện tử, dệt may và da giày...
Bên cạnh đó, hạn chế lớn đối với các DNNVV của Việt Nam là kiến thức về thị trường nước ngoài và năng lực tham gia thương mại quốc tế. Điều này thực sự là một trở ngại lớn cho tiềm năng xuất khẩu khi thị trường thế giới ngày càng cạnh tranh cao, tốc độ thay đổi về công nghệ thông tin, thị trường ngày càng nhanh. Cả miền Trung chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp sản xuất hàng TCMN có khả năng xuất khẩu trực tiếp, còn lại đều làm vệ tinh cho các doanh nghiệp xuất khẩu lớn ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Báo cáo tại hội thảo cũng đưa ra những một số những khuyến nghị như: Xây dựng hệ thống thông tin thị trường cập nhật cho từng ngành hàng trên một nền tảng chung nhất quán; Xúc tiến triển khai các chính sách ưu đãi của chính phủ về công nghiệp hỗ trợ để giải quyết bài toán nguyên vật liệu đầu vào của các ngành sản xuất; Tăng cường liên kết trong chuỗi cung ứng và Xây dựng thương hiệu riêng cho hàng hoá xuất khẩu…
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cũng khẳng định, Việt Nam đang tích cực đàm phán các hiệp đinh thương mại tự do (FTA) với các đối tác thương mại lớn nhằm mở cửa thị trường và tạo điều kiện thâm nhập thuận lợi hơn cho các mặt hàng xuất khẩu. Các nhân tố tích cực này sẽ góp phần làm thay đổi và xuất hiện những mặt hàng, sản phẩm mới, có tiềm năng xuất khẩu trong tương lại bên cạnh những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, truyền thống trong nhiều năm qua.
Chương trình “Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV) thông qua hệ thống xúc tiến thương mại địa phương” là dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng nguồn ODA không hoàn lại do Chính phủ Thụy Sỹ tài trợ và được thực hiện trong 04 năm (2013 – 2017). Hai đối tượng hưởng lợi trực tiếp từ Chương trình là các Trung tâm xúc tiến thương mại/tổ chức hỗ trợ thương mại địa phương và các DNNVV.
Chương trình được triển khai trên phạm vi toàn quốc, tập trung vào một số tỉnh/thành phố quan trọng, được lựa chọn căn cứ các tiêu chí như năng lực hỗ trợ thương mại, tiềm năng phát triển xuất khẩu bền vững và cam kết tham gia Chương trình. Ba (03) đầu mối triển khai Chương trình tại địa phương là Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ.
Đánh giá tiềm năng xuất khẩu là một trong những hoạt đông chính trong giai đoạn Khởi động của Chương trình (6/2013 – 12/2014). Đánh giá tiềm năng xuất khẩu nhằm xác định những sản phẩm ngành hàng có tiềm năng xuất khẩu của quốc gia và khu vực. Dựa trên căn cứ này, Chương trình sẽ tập trung nguồn lực để hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu trong giai đoạn Chính (2015-2017).
Theo vccinews.