Tàu bị mắc cạn trên sông Hồng đoạn giáp ranh tỉnh Vĩnh Phúc - TX Sơn Tây, Hà Nội |
3 năm chưa xong thủ tục
Chủ trương xã hội hóa đầu tư nạo vét luồng đường thủy quốc gia bảo đảm giao thông kết hợp với tận thu sản phẩm (cát, sỏi) được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Từ năm 2012, Bộ GTVT đã công bố danh mục các vị trí nạo vét theo hình thức trên để minh bạch hóa thủ tục và kêu gọi đầu tư. Theo Cục Đường thủy nội địa VN, từ năm 2011 đến tháng 10/2013 cả nước có 37 dự án nạo vét được các doanh nghiệp đăng ký đầu tư. Thế nhưng, đến nay mới chỉ có 5 dự án được triển khai, với khối lượng nạo vét được hơn 190 nghìn m3 sản phẩm tận thu.
Các dự án chưa triển khai đều có chiều dài luồng và khối lượng nạo vét lớn. Đơn cử như dự án trên sông Sài Gòn tới gần 2,3 triệu m3, sông Tiền gần 3,7 triệu m3, các dự án trên sông Hồng, Lô, Đuống đều hơn 1 triệu m3…
"Xã hội hóa nạo vét đảm bảo giao thông đường thủy là việc quan trọng, Cục Đường thủy nội địa VN phải tổ chức quản lý sát sao, nắm chắc tình hình. Tạo thuận lợi, thông thoáng thủ tục cho nhà đầu tư và quản lý chặt chẽ là góp phần đảm bảo ATGT, chống sạt lở bờ sông và từng bước giảm dần nạn cát tặc”.
Thứ trưởng Bộ GTVT Trương Tấn Viên |
Lý do các dự án chậm chủ yếu do chưa hoàn thành được thủ tục đăng ký tận thu sản phẩm với địa phương hoặc ở những nơi giáp ranh, việc hoàn thiện thủ tục ở tỉnh này nhanh, tỉnh kia lại chậm. Thậm chí, hàng chục dự án được doanh nghiệp bắt đầu thực hiện các thủ tục từ năm 2011 nhưng đến nay vẫn chưa xong.
Bà Thu Trang, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng và đầu tư Phúc Lợi Hà Nội cho rằng: “Các địa phương đang nhầm lẫn giữa khai thác nạo vét tận thu cũng như khai thác mỏ khoáng sản lòng sông nên yêu cầu phí cấp quyền khai thác”.
Theo ông Hoàng Minh Toàn, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN, việc đầu tư xã hội hóa bảo trì đường thủy nội địa theo hình thức nạo vét kết hợp tận thu là lĩnh vực mới nên việc triển khai ở các địa phương còn thiếu thống nhất về đăng ký tận thu sản phẩm, cùng với thời gian lấy ý kiến giữa các Sở, ngành địa phương kéo dài, khiến nhiều dự án bị chậm trễ. Do thời gian làm thủ tục kéo dài nên khi dự án được triển khai số liệu thực tế sản phẩm tận thu đã thay đổi, gây nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Cống - Giám đốc Sở GTVT Đồng Tháp cho biết, tình hình khai thác cát trái phép trên địa bàn hoặc không đúng phép diễn biến rất phức tạp. Vì vậy, tỉnh chỉ đạo phải quản lý chặt chẽ, yêu cầu doanh nghiệp phải có kế hoạch vận chuyển, cất trữ sản phẩm để ngăn ngừa doanh nghiệp chỉ lấy cát còn thải bùn lại ra sông. Hơn nữa, những vị trí mà doanh nghiệp đăng ký nạo vét tận thu trùng với mỏ địa phương đã phê duyệt phải có sự thỏa thuận lại giữa các cơ quan Trung ương và địa phương.
Theo Thượng tá Hoàng Anh - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát đường thủy, hiện có sự chồng lấn giữa phạm vi cấp phép khai thác tận thu và mỏ khoáng sản lòng sông, không có phạm vi khu biệt, dẫn tới tranh chấp địa bàn, gây mất trật tự xã hội. Có hiện tượng doanh nghiệp xin được phép rồi liền “bán cái” cho tư nhân khai thác tràn lan, không đúng vị trí, sử dụng phương tiện khai thác, vận chuyển không phép, người điều khiển phương tiện không đủ điều kiện…
Tại cuộc họp về tình hình thực hiện các dự án xã hội hóa nạo vét luồng đường thủy ngày 29/7 vừa qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Trương Tấn Viên cho rằng, nguyên nhân của việc chậm trễ triển khai các dự án xã hội hóa đầu tư nạo vét luồng đường thủy là do thiếu quy định rõ ràng giữa khai thác tận thu sản phẩm nạo vét và khai thác khoáng sản của địa phương. Nhà đầu tư chưa thành thạo các thủ tục xin phép, trong khi việc hướng dẫn các thủ tục của cơ quan thuộc Bộ GTVT và các địa phương chưa đạt yêu cầu.
Thứ trưởng Viên chỉ đạo Vụ Kế hoạch & Đầu tư chủ trì rà soát quy hoạch để phối hợp quản lý những vị trí chồng lấn giữa nạo vét đảm bảo giao thông và mỏ khoáng sản. Vụ Kết cấu hạ tầng đề xuất đưa vào dự thảo nghị định về thẩm quyền, trách nhiệm và sự phối hợp giữa các bộ, địa phương trong việc quản lý khai thác khoáng sản theo hai loại hình trên.