Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Nhật |
Trước hết phải nói rằng, thời gian qua, hoạt động nạo vét duy tu luồng hàng hải đã có nhiều chuyển biến, từ công tác lập kế hoạch, chuẩn bị đầu tư, tổ chức thực hiện và nghiệm thu quyết toán… luôn có phối hợp và giám sát giữa Bộ GTVT, Cục Hàng hải VN và các Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải. Tuy nhiên, tôi cho rằng thực tế cũng đã có các dấu hiệu thất thoát. Nguyên nhân khách quan và chủ quan có nhiều nhưng theo tôi, chủ yếu do chưa công khai minh bạch, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe, công tác tổ chức và quản lý chưa quyết liệt; kiểm tra giám sát nội bộ chưa phát huy tác dụng...
Tôi có thể khẳng định luôn khả năng gây thất thoát chỉ cơ bản nằm ở hai khâu: Xác định khối lượng nạo vét và công tác vận chuyển đất nạo vét đi đổ.
Do đặc thù hoạt động nạo vét là không có vật tư xây dựng, chi phí chủ yếu là cho nhân công và chi phí vận chuyển đất bùn đổ thải. Chi phí nhân công phụ thuộc vào biện pháp thi công, trang thiết bị thi công. Chi phí vận chuyển đất đổ thải (chiếm một tỉ lệ rất lớn) phụ thuộc vào quãng đường vận chuyển, đơn giá vận chuyển và phương tiện vận chuyển.
Do đó, thất thoát trong hoạt động nạo vét có thể xuất phát từ việc sử dụng phương tiện thi công không hợp lý dẫn đến tăng chi phí nhân công; biện pháp thi công thực tế khác so với biện pháp lúc lập dự toán và quyết toán; vị trí đổ thải lớn hơn so với điều kiện thực tế; đơn giá vận chuyển cao hơn với giá thành thực tế. Ngoài ra thất thoát có thể xảy ra khi xác định khối lượng bàn giao mặt bằng và khối lượng nghiệm thu quyết toán thiếu chính xác…
Thất thoát trong nạo vét luồng hàng hải chỉ cơ bản nằm ở khâu xác định khối lượng nạo vét và công tác vận chuyển đất nạo vét đi đổ |
Giám sát đổ thải qua thiết bị giám sát hành trình
Vấn đề nóng bỏng được dư luận quan tâm hiện nay là việc đổ thải. Công việc này được kiểm soát ra sao?
Công trình nạo vét duy tu luồng là công trình có vị trí đổ đất xa, thiết bị thi công nhiều, thời gian một chuyến đổ đất dài, lực lượng tư vấn giám sát mỏng nên thực tế thời gian qua, chúng ta không thể bố trí đủ tư vấn giám sát viên trên tất cả các phương tiện. Việc giám sát gián tiếp nhờ các giải pháp công nghệ cũng khó khăn do các phương tiện này hầu hết là phương tiện nhỏ, khó bố trí lắp đặt, duy trì hoạt động thường xuyên của các máy móc này. Đó là chưa nói đến kinh phí đầu tư ban đầu.
Hiện nay, toàn quốc có 44 luồng hàng hải trong đó có 23 tuyến luồng phải thường xuyên nạo vét, duy tu hàng năm để duy trì độ sâu hành hải theo chuẩn tắc thiết kế. Mỗi năm, khối lượng nạo vét khoảng 2,6 - 3,6 triệu mét khối và kinh phí thực hiện khoảng 430 - 500 tỷ đồng. |
Mặc dù vậy, tại một số công trình, chúng tôi cũng đã có yêu cầu lắp đặt thiết bị GSHT để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát gián tiếp. Như tại Hải Phòng, năm 2013, cảng vụ hàng hải đã yêu cầu 100% tàu biển vận chuyển bùn đất nạo vét, đăng ký cấp tàu SB phải lắp thiết bị nhận dạng AIS, thiết bị GPS để cảng vụ hàng hải giám sát hành trình khi đi đổ bùn đất khu vực ngoài biển.
Tuy nhiên, các thiết bị này phụ thuộc vào sóng di động GSM. Chất lượng mạng đôi lúc không ổn định là yếu tố khách quan dẫn đến khả năng giám sát hoạt động đổ thải còn bị thụ động. Thuyền trưởng phương tiện đổ thải cố tình lợi dụng những yếu tố khách quan, sơ hở trong công tác giám sát để đổ thải không đúng vị trí được phê duyệt, gây ảnh hưởng đến an toàn hàng hải, ô nhiễm môi trường và thiệt hại lớn về kinh tế.
Công khai danh sách nhà thầu vi phạm
Bộ GTVT đang giao Cục Hàng hải VN chủ trì xây dựng Đề án chống tham nhũng, thất thoát trong nạo vét duy tu luồng hàng hải. Xin ông cho biết giải pháp mà Cục đề xuất là gì?
Tôi cho rằng, quan trọng nhất phải là công khai minh bạch. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ lập đường dây nóng, công khai số điện thoại, email trên các phương tiện thông tin đại chúng để tiếp nhận các thông tin phản ánh, kiến nghị của công dân về các vi phạm trong quá trình thi công nạo vét công trình. Tăng cường công tác giám sát cộng đồng bằng cách quy định rõ các loại thông tin mà cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu; công khai minh bạch, cung cấp các thông tin cho các cơ quan đơn vị liên quan để cùng thực hiện công tác giám sát. Ngoài ra, chúng tôi sẽ công khai danh sách các nhà thầu vi phạm đã bị phát hiện.
Cùng đó, cần triển khai đồng bộ các giải pháp liên quan đến thể chế chính sách; giải pháp về tổ chức, quản lý, triển khai thực hiện cụ thể trong việc lựa chọn nhà thầu thi công, tư vấn thiết kế, tư vấn khảo sát, tư vấn đấu thầu, giám sát... Các giải pháp về khoa học công nghệ cũng sẽ được tính đến. Đặc biệt, không thể thiếu việc kiểm tra, giám sát cũng như nâng cao chế tài xử lý vi phạm.