Cả tuần nay giá cà phê khắp nơi rớt tả tơi. Thời tiết chi phối một phần, nhưng yếu tố ngoài thị trường gây rủi ro không nhỏ.
Giá rớt tả tơi
Đúng là rủi ro của thị trường hàng hóa nông sản không chỉ là thời tiết. Khủng hoảng địa chính trị tại Ukraine đã đẩy các thế lực kinh tế thế giới trừng phạt lẫn nhau mà người thiệt hại không ai khác ngoài nông dân và người tiêu thụ cuối cùng.
Máy bay của hãng hàng không dân dụng Malaysia bị bắn hạ trên bầu trời Ukraine làm chết 298 người là cái cớ để EU và Mỹ thực hiện nhanh lệnh trừng phạt đối với Nga. Tuần qua, tổng thống Nga V. Putin ra lệnh trả đũa. Ông yêu cầu cấm nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu và sản phẩm nông sản từ các nước dám áp đặt trừng phạt lên Nga trong vòng một năm.
Cà phê “dính đòn” ngay lập tức. Vốn là mặt hàng hết sức nhạy cảm với tình hình kinh tế vĩ mô và các vấn đề chính trị vì được giao dịch trên thị trường tài chính, giá cà phê vì thế rớt tơi tả. Nhiều nước châu Âu và Mỹ đang còn trữ hàng và bán mạnh cà phê tại Nga nay buộc phải hết sức thận trọng, thậm chí bán tháo.
Giá kỳ hạn cà phê tuần trước đang hứng khởi đi lên thì nay rớt thỏm xuống sâu, chưa biết đâu là đáy. Nếu như vào ngày 1/8 cuối tuần trước, giá kỳ hạn Robusta Ice Liffe tại London có lúc lên mức 2.139 USD/tấn thì đến phiên giao dịch hôm qua thứ Sáu 8/8 có khi xuống chỉ còn 1.933 USD/tấn, cách biệt đến trên 200 USD/tấn. Cũng vậy, trên sàn kỳ hạn Arabica Ice tại Mỹ giá ngày đầu tháng lên đỉnh điểm 211,10 cent/pound (cts/lb), thì hôm qua giao dịch có khi xuống còn 183.60 cts/lb, tương đương giảm gần 606 USD/tấn!
Tại phiên cuối tuần hôm qua, thứ Sáu 8/8, giá sàn robusta London đóng cửa chốt mức 1.948 USD/tấn, giảm 149 USD so với cuối tuần trước.
Vật giá leo thang, giá cà phê vẫn trượt mạnh
“Chỉ trong vài ngày, ở giai đoạn cuối vụ, giá cà phê nội địa rớt nhanh như thế này là hiện tượng hiếm có,” anh Lê Tư, chủ một doanh nghiệp tư nhân chuyên mua bán cà phê tại tỉnh Lâm Đồng cho hay. Quả thế, giá bất ngờ tăng cực mạnh, vào chiều thứ Sáu tuần trước 1/8/2014, lên mức 42 triệu đồng/tấn, mức cao nhất của niên vụ này, nhưng cũng chỉ “thọ” được vài giờ.
“Chẳng bằng giá cà phê xuống thì các thứ khác cùng xuống cho,” chị Tánh, một nông dân tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng than thở. Giá xăng dầu và các thứ phải mua để sản xuất đều tăng. Chị nhớ từ đầu năm 2012 đến tháng trước, giá xăng từ 21.300 đồng/lít lên 25.640 đồng/lít, tăng gần 4.500 đồng/lít hay tương đương 21%. Giá nhân công, phân bón cũng tăng.
Đặc biệt, chương trình siết chặt tải trọng xe ô tô đã làm giá chuyên chở cà phê từ vùng sản xuất trên các tỉnh Tây Nguyên về các kho cảng tăng gấp ba so với trước. Thế mà vẫn chưa hết “vận hạn”. Nông dân còn phải cõng thêm giá cước tàu và các loại phí làm hàng xuất khẩu đang tăng hàng ngày. Nếu như năm 2008, cước tàu chở cà phê từ cảng TPHCM đi châu Âu chỉ 400-500 đô la/container, đến quí 1/2014 đã lên 950-1.000 USD/tấn, thì nay nâng lên 1.250 USD/tấn hay hơn thế nữa.
Sáng nay 9/8, giá cà phê trên thị trường nội địa tại các tỉnh Tây Nguyên vẫn chưa vực dậy nổi, bước sâu xuống nữa, chỉ còn quanh mức 37,5 triệu đồng/tấn, giảm 4,5 triệu đồng/tấn so với giá đỉnh chỉ cách đây một tuần. Buôn bán trao đổi chậm lại nhưng người còn hàng không khỏi dao động tâm lý.
Tin cung-cầu
Hiệp hội Cà phê Nhật Bản ước rằng đến hết tháng 6/2014, tồn kho cà phê tại nước này đạt 185.479 tấn, tăng 2.867 tấn so với tháng trước đó nhưng tăng 12% so với cùng kỳ năm 2013 là 165.464 tấn.
Nhật là một trong những nước tiêu thụ cà phê lớn của thế giới. Báo cáo tồn kho của EU, Mỹ và Nhật có ảnh hưởng nhất định đến thị trường.
Sàn kỳ hạn Robusta London cũng cho biết lượng cà phê Robusta được sàn công nhận đạt chuẩn có thể đấu giá trên sàn trong hai tuần tính đến hết ngày 4/8/2014 đạt 82.100 tấn hay 1,368 triệu bao (60 kg x bao), giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái, bấy giờ là 83.770 tấn.
Bản tin thường kỳ mới nhất của Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) ước rằng ba nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới đến hết tháng 6/2014 vẫn bán hàng ra mạnh. ICO cho rằng trong 9 tháng đầu niên vụ 2013/14 bắt đầu từ 1/10/2013, xuất khẩu cà phê Brazil tăng 9% đạt 33,4 triệu bao, Việt Nam 16,2 triệu bao, tương đương với năm ngoái nhưng Colombia tăng 13,2% đạt 10,6 triệu bao.
Đã có quá nhiều đánh giá sản lượng Brazil niên vụ đang thu hái của giới chuyên nghiệp, người nói được kẻ nói mất. Vừa qua, Viện Địa lý và Thống kê Brazil ước rằng sản lượng Brazil vụ này chừng 45,52 triệu bao, trong đó Robusta chừng 12,6 triệu bao.
Giá kỳ hạn của các sàn cà phê cũng như giá hàng thực ở các nước đều giảm, ngược lại với các nguồn tin cung-cầu trước đây cho rằng thế giới thiếu hụt cà phê. Tuy nhiên, giá cà phê tuần qua không phản ánh được điều đó, dao động nghiên về hướng tiêu cực. Một ước tính trung dung cho sản lượng cà phê Brazil hiện nay thiết nghĩ là phù hợp.
Theo TBKTSG online
|