Sau một tháng, mới có 25 trên tổng số 7.105 xe sơmi rơmoóc (SMRM) được phép điều chỉnh tăng tải đăng ký cải tạo và hiện chỉ có 5 chiếc tại TP HCM đã cải tạo và được cấp giấy chứng nhận tăng tải trọng. Vì sao?
Doanh nghiệp không hào hứng
Gỡ khó cho DN vận tải, từ ngày
10/7 - 31/12/2014, Bộ GTVT cho phép điều chỉnh, di dời chốt kéo và cụm trục bánh xe đối với SMRM chở container để nâng tải trọng và chống quá tải trọng trục. Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN Trần Kỳ Hình cho biết, có khoảng 7.105 chiếc SMRM (có danh sách cụ thể, hiện đang được cho phép chở 22-34 tấn) sẽ được ghi nhận tải trọng toàn bộ tăng lên 33 tấn (đối với loại 2 trục) và 38 tấn (đối với loại 3 trục). Điều này cũng giúp giải quyết được tình trạng xe không quá tải trọng toàn bộ nhưng lại quá tải trọng trục như bức xúc của nhiều DN trước đây.
Thông tin này đã nhận được sự phản hồi tích cực từ phía DN. Tuy nhiên, một tháng sau khi triển khai, theo Cục Đăng kiểm VN, trong số 7.105 SMRM chở container được phép điều chỉnh tăng tải nói trên, mới có 25 chiếc đã đến các đơn vị kiểm định đăng ký sẽ thay đổi cải tạo. Trên thực tế, mới chỉ có 5 chiếc được cải tạo đồng thời được cấp giấy chứng nhận tăng tải trọng. Trong khi đó, gần 600 chiếc khác khi đến thời hạn đăng kiểm, đã được các đơn vị kiểm định thông báo về việc cho phép cải tạo, nhưng chủ phương tiện không có nhu cầu mà vẫn giữ nguyên tải trọng cũ.
Đủ lý do trì hoãn
Trả lời câu hỏi tại sao chưa mặn mà với việc nâng tải trọng, một số DN cho biết chưa tin tưởng chất lượng kỹ thuật của các đơn vị cải tạo. “Cần phải có đơn vị đóng mới chuyên nghiệp và có dây chuyền công nghệ để khi cải tạo SMRM đảm bảo độ chính xác như nhà sản xuất. Nếu chỉ dùng các mối hàn thủ công hoặc vật liệu thay thế không chuẩn thì sau khi cải tạo khó đảm bảo độ bền, sau một thời gian hoạt động xe sẽ bị vặn. Việc cải tạo thiếu chính xác sẽ làm cho xe bị lệch cầu gây phá lốp và mất ATGT” - ông Nguyễn Bá Hùng – Giám đốc CTCP Thương mại vận tải Biển Bắc nói.
Tương tự, ông Quang Ngọc- Giám đốc công ty CP vận tải Hoàng Hà, người từng “mang đến lại mang về” một chiếc SMRM lo ngại: Sau khi cải tạo, hầu hết trục bánh sau SMRM sẽ gần sát đuôi xe, gọi là xe cầu tịt. Nếu lái xe non kinh nghiệm sẽ khiến lốp bị mòn rất nhanh, thậm chí phá lốp.
Bà Trần Diệu Canh - Tổng Giám đốc Công ty Tân Thanh - DN có khoảng 1.000 xe SMRM tham gia giao thông và bán ra thị trường khoảng 4.000 xe. Bà Canh cho rằng đây là một chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN. Thay vì phải đầu tư một xe mới thì DN cải tạo lại trục xe đến khi hết hạn ngày 31/12. Quá thời hạn này mà không cải tạo, DN tham gia lưu thông sẽ bị phạt, lúc đó tốn kém nhiều hơn. |
Ông Bùi Xuân Thành - Phó Giám đốc CTCP Vận tải và thương mại Xuân Trường II cho rằng, chủ SMRM loại 2 trục mà hiện đang được cấp giấy chứng nhận tải trọng từ 27 tấn trở lên (nhưng dưới 33 tấn) sẽ không mặn mà tăng tải trọng lên 33 tấn vì vẫn không chở được tối đa hàng hóa theo thông lệ quốc tế. Bởi lẽ, container 40 feet loại cao cho phép chở tối đa 28-29 tấn hàng, còn loại thường cho chở 25-25,5 tấn hàng, nếu chở tối đa hàng cộng thêm trọng lượng vỏ container và tự trọng của xe sẽ hơn 33 tấn. Do đó, ông Thành cho rằng, sẽ là hợp lý hơn nếu cho phép SMRM loại 2 trục được nâng tải trọng lên 36 tấn.
Về vấn đề này, ông Trần Tiến Dũng - Chủ tịch hội DN Hải An (TP Hải Phòng) cho rằng nguyên nhân chính của việc chưa có nhiều DN đưa phương tiện đi cải tạo là do họ còn nghe ngóng chính sách. Một số ít vẫn toan tính, thỏa hiệp với tiêu cực để chở quá tải.
Không muốn đưa xe đi cải tạo nâng tải, một số DN thậm chí còn đề nghị được trả về tải trọng thiết kế. Đại diện Công ty TNHH Vận tải Âu Châu cho biết, theo quy định xe SMRM 2 trục được nâng tải trọng 33 tấn nhưng sau khi nâng tải trọng, cân chỉnh lại thì tải trọng lưu thông chỉ được phép chở 30 tấn. “Trong khi chi phí nâng cấp một xe mất 17 triệu đồng, tính ra DN phải bỏ ra 500-600 triệu đồng để cải tạo vài chục cái SMRM. Để khỏi tốn chi phí cho DN, tại sao đăng kiểm không hoàn lại tải trọng xe như đúng thiết kế của nhà sản xuất cho phép” - vị này kiến nghị.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng vận tải Công ty Thăng Long cho biết: Đơn vị có 48 SMRM cần cải tạo lại trục, phải tốn mất mười mấy triệu để cải tạo một SMRM mà chỉ nâng thêm được 500kg cho một xe SMRM 2 trục với tải trọng là 27,2 tấn thì quá tốn kém. Ông Đỗ Mạnh Cường, quản lý đội xe thuộc công ty IDC Phước Long đề xuất đăng kiểm trả lại nguyên gốc như đăng ký ban đầu theo đúng kích cỡ, tiêu chuẩn tải trọng xe, còn khi doanh nghiệp muốn hoán đổi, hoán cải thì đương nhiên DN phải bỏ tiền ra để nâng tải trọng.
Đã tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp
Liên quan đến những e ngại của DN, ông Trần Kỳ Hình cho biết để tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, Cục Đăng kiểm VN đã đưa ra các mẫu thiết kế cải tạo, phần mềm tính toán và không yêu cầu phải trình hồ sơ thiết kế trước khi cải tạo như thủ tục thông thường. Cùng đó, Cục đã công bố giới thiệu hơn 30 đơn vị có đủ năng lực cải tạo SMRM để các doanh nghiệp có xe lựa chọn. Doanh nghiệp chỉ cần đưa xe đến đơn vị cải tạo và đề nghị cải tạo theo mẫu thiết kế sẵn có, sau đó đưa SMRM đến đơn vị kiểm định nghiệm thu và cấp giấy chứng nhận.
Lý giải về việc tại sao không đưa tải trọng xe về đúng thiết kế ban đầu như kiến nghị của DN, ông Nguyễn Xuân Hải - Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 500-4V (P Hiệp Phú, Q 9, TP HCM), một trong những trung tâm đăng kiểm quản lý nhiều xe SMRM nhất khẳng định, DN khi đến Trung tâm đều đã được tư vấn và hiểu rõ nâng tải trọng trục xe là để đáp ứng được nhu cầu tải trọng đường và tải trọng được phép tham gia lưu thông. Còn điều chỉnh được nhiều hay ít thì tùy thuộc vào tải trọng xe của họ.
“Trước đây, nhiều SMRM được đặt hàng sản xuất từ Trung Quốc với thiết kế dồn tải ra phía sau để chở được càng nhiều càng tốt. Nếu vẫn giữ nguyên kích thước như cũ và không điều chỉnh vị trí chốt kéo và vị trí cụm trục, sẽ tái diễn tình trạng nhiều xe không quá tải trọng toàn bộ nhưng lại quá tải trọng trục. Đó là chưa nói đến thiết kế dồn tải ra phía sau sẽ gây áp lực lên tải trọng trục, có hại cho xe…” - ông Hải phân tích.
Theo Giao thông vận tải.