Trong cuộc làm việc sáng nay (7/8) về đổi mới công tác quản lý và tái cơ cấu ngành đường thủy nội địa, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nói "lâu nay dự án đường thủy bị chê nhiều nhất" và yêu cầu khẩn trương, đẩy nhanh tiến độ các dự án vốn nước ngoài.
|
Cục trưởng Cục Đường thủy VN Trần Văn Cừu nhận khuyết điểm lâu nay chưa chú trọng phát triển vận tải thủy |
Tại cuộc họp, Bộ trưởng khẳng định việc tái cơ cấu ngành theo đề án Tái cơ cấu toàn diện ngành GTVT vừa được Thủ tướng phê duyệt phải dựa trên cơ sở tái cơ cấu từng lĩnh vực. Do đó, Cục Đường thủy nội địa VN (ĐTNĐ) phải sớm hoàn thiện Đề án Tái cơ cấu lĩnh vực ĐTNĐ và nâng cao năng lực quản lý của Cục, trình Bộ vào tháng 9/2014.
Theo Bộ trưởng, đầu tư giao thông hiện đang bị lệch về lĩnh vực đường bộ. Vì vậy, tái cơ cấu ĐTNĐ phải tập trung vào vấn đề phân bổ nguồn lực, nhu cầu nguồn lực... Trong đó vốn nhà nước, vốn xã hội hóa cần được phân bổ rõ ràng, ưu tiên thứ tự đầu tư các tuyến luồng, cảng bến để tạo điều kiện thúc đẩy vận tải thủy phát triển.
Bộ trưởng Đinh La Thăng nêu rõ: “Các dự án, đề án cần đề nghị Ngân hàng Thế giới, JICA hay tổ chức tín dụng nước ngoài hỗ trợ thì phải nghiên cứu kỹ, đề xuất theo trình tự ưu tiên. Muốn nhận được vốn, sự hỗ trợ, Cục Đường thủy nội địa VN phải khẩn trương, đẩy nhanh tiến độ các dự án vốn nước ngoài, vì lâu nay các dự án đường thủy bị chê nhiều nhất”.
Bộ trưởng cũng chỉ đạo Cục Đường thủy nội địa VN nhanh chóng xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật GTĐT nội địa sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua; thực hiện kết luận tại Hội nghị phát triển vận tải thủy đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng; đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp; đảm bảo trật tự ATGT đường thủy gắn với công tác phòng chống lụt bão và siết chặt tải trọng phương tiện…
Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng cho biết, quý IV này Bộ GTVT sẽ tổ chức thi tuyển Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN. Bộ khuyến khích những người đã dự thi tuyển Vụ trưởng Vụ Vận tải mới đây tiếp tục thi đợt tới, cũng như mở rộng đối tượng dự thi. Người dự thi sẽ được cung cấp các tài liệu, đề án mà Cục Đường thủy nội địa đang xây dựng để có cơ sở đưa ra giải pháp tốt nhất về tái cơ cấu ngành.
Báo cáo Bộ trưởng, ông Trần Văn Cừu - Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN nhận khuyết điểm, một trong những điểm yếu của Cục trong những năm qua là chỉ mới tập trung quản lý luồng, tuyến mà chưa chú trọng đến phát triển vận tải thủy.
Lĩnh vực vận tải thủy nội địa từ lâu đang bộc lộ những điểm yếu như đội tàu có độ tuổi bình quân cao, chủ yếu là tàu đẩy, tàu kéo với chi phí vận chuyển lớn; hầu hết cảng, bến bốc xếp có hạ tầng thô sơ, sử dụng công nghệ xếp dỡ lạc hậu; sự kết nối giữa vận tải thủy và các phương thức khác kém…
|
Vận tải thủy tại phía Bắc nhiều năm nay mới chủ yếu chở vật liệu xây dựng |
Tính đến hết tháng 6/2014, toàn quốc có gần 239.000 phương tiện thủy (cả chở hàng và khách) đã đăng ký, với tổng trọng tải chỉ hơn 13,3 triệu tấn và gần 550 ngàn ghế hành khách. Riêng với phương tiện chở hàng, tình trạng phương tiện không đăng ký, đăng kiểm kỹ thuật vẫn khá phổ biến.
Ông Cừu cho biết nhằm nâng cao năng lực của ngành đường thủy, Cục đang triển khai xây dựng các đề án: Huy động vốn xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông ĐTNĐ; Hiện đại hóa công tác điều hành vận tải thủy nội địa. Bên cạnh đó, tổ chức khảo sát, thu thập dữ liệu hệ thống cầu vượt các tuyến sông quốc gia để phục vụ công tác ưu tiên phát triển các tuyến vận tải và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển GTVT đường thủy đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Cục cũng đã xây dựng và được Bộ GTVT phê duyệt 6 đề án, trong đó có đề án đổi mới toàn diện và nâng cao chất lượng công tác quản lý, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông ĐTNĐ, các giải pháp thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa; Tăng cường công tác đăng ký phương tiện và đào tạo thuyền viên…Ngay sau cuộc họp này, lãnh đạo Cục sẽ tập trung triển khai các chỉ đạo của Bộ trưởng, sớm hoàn hiện đề án tái cơ cấu trình Bộ trong tháng 9.
Theo Giao Thông Vận Tải.