Bộ GTVT sẽ cho phép các tàu cánh ngầm hoạt động trở lại với điều kiện phải bổ sung các hệ thống an toàn phòng cháy chữa cháy dưới sự giám sát nghiêm ngặt của Cục Đăng kiểm VN.
Ngày 11/8, Bộ trưởng Bộ GTVT đồng ý với đề nghị của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên Phòng cho phép hoạt động trở lại các tàu cánh ngầm thuộc Công ty cổ phần tàu cao tốc Vina (Vina Express). Tuy nhiên thời gian hoạt động phụ thuộc vào việc doanh nghiệp này phải chứng minh được các điều kiện an toàn kỹ thuật, môi trường và phòng chống cháy nổ.
Kiểm tra từ chiếc đinh tán
Theo quan điểm của Bộ GTVT, các tàu cánh ngầm thuộc 3 hãng sẽ được hoạt động trở lại sau 6 tháng “lên đà” kể từ sau vụ cháy hồi đầu năm nhưng phải được cơ quan đăng kiểm giám sát nghiêm ngặt việc phòng chống cháy nổ, an toàn kỹ thuật và môi trường.
Các hạng mục cần bổ sung sửa chữa theo ông Trần Kỳ Hình – Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam chính là những vị trí dễ phát cháy: như hệ thống chữa cháy cố định buồng máy, nắp đậy chống cháy buồng máy, cụ thể chính là cải hoán gia cố thêm lớp nhôm cách nhiệt chống cháy đặc biệt cô lập buồng máy nếu phát cháy. Các bó cáp dẫn điện buồng máy phải được thay thế và nẹp lại. Ngay cả các đinh tán không chấp nhận mua trôi nổi từ chợ trời. Tất cả các vật liệu chống cháy từ đinh tán cho đến dây điện, nhôm tấm, que hàn… phải có chứng chỉ nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đáp ứng được chất lượng theo quy định.
Cục Đăng kiểm Việt Nam đã giao cho ông Phạm Ninh – Giám đốc Chi cục đăng kiểm 6 tại phía Nam trực tiếp giám sát chất lượng từng công đoạn sửa chữa của từng con tàu, kiểm tra vật liệu thi công trước khi được sử dụng. Cục Đăng kiểm khuyến cáo chủ tàu cánh ngầm phải chọn tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công có chuyên môn cao mới có thể thực hiện việc hoán cải. Tư vấn lên kế hoạch tỉ mỉ từng công đoạn.
Giám đốc Vina Express Bùi Công Trùng đề nghị Cục Đăng kiểm chấp thuận Nhà máy Đóng tàu Ba Son là đơn vị vừa thiết kế hoán cải vừa thi công luôn, đây là đơn vị có nhiều kinh nghiệm và đang đóng tàu tên lửa cho Hải quân. Hiện, chúng tôi đang lên kế hoạch sửa chữa tàu và lịch khởi động trở lại tuyến khai thác, rất mong Cục Đăng kiểm hướng dẫn chi tiết các hạng mục cần hoàn thiện để chúng tôi sớm được tiếp tục công việc kinh doanh của mình, ông Trùng nói.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo doanh nghiệp này nhận định, cũng chưa thể sớm đưa tàu vào hoạt động bởi còn rất nhiều việc để có thể hoàn thiện các khiếm khuyết được đoàn kiểm tra chỉ ra trước đó.
Lấn cấn chuyện bến tạm khi tàu cánh ngầm gặp sự cố
Trước khi đưa vào hoạt động trở lại Cục Đăng kiểm VN khuyến cáo các chủ tàu cánh ngầm về sự cố chết máy đột ngột. Thuyền trưởng sẽ xử trí ra sao khi tàu luôn phải đối mặt nguy cơ rác bịt mất lỗ thông sông, tàu mất nước làm mát, rác quấn chân vịt? Tất cả phương án xử trí đều phải được lên kế hoạch để có thể chủ động xử lý khi gặp sự cố.
Ông Nguyễn Văn Thuấn – Vụ trưởng Vụ ATGT cho rằng cần tính đến phương án tàu dự phòng để ứng cứu khi xảy ra sự cố.
Cũng liên quan tới vấn đề an toàn khi tàu cánh ngầm hoạt động trở lại, nhiều ý kiến cho rằng bến tàu khách Cầu Đá (Vũng Tàu) là bến chính nhưng thường không an toàn vào mùa biển động do sóng lớn đập vào mạn tàu, về lâu dài cần xây dựng âu tàu cho bến tàu khách mới đảm bảo an toàn.
Bên cạnh đó, chủ tàu cần tính đến bến dự phòng. Trên thực tế, bến Sông Dinh (thuộc cảng chuyên ngành của Cục Hải Quan) cách Vũng Tàu 8km có thể trú ẩn được khi gió bão và có thể được xem là bến dự phòng. Từ đây có thể dùng xe ô tô đưa khách về Vũng Tàu. Tuy nhiên, bến này lại không phải là bến tàu khách, nếu tàu xuất bến tại đây là trái quy định.
Để giải quyết vấn đề này, Vụ trưởng Vụ An toàn Nguyễn Văn Thuấn đề nghị Cảng vụ Vũng Tàu và TPHCM, 2 Sở GTVT TPHCM và Bà Rịa Vũng Tàu thống nhất xem vướng ở chỗ nào, cần bổ sung điều gì thì tập hợp lại, báo cáo lên UBND TPHCM, Bà Rịa Vũng Tàu, báo cáo Bộ GTVT. Sau đó Bộ GTVT, Cục Đường thuỷ nội địa, Cục Hàng hải sẽ có phương án để có thể hợp pháp hóa việc tàu khách xuất và rời bến sông Dinh khi có sự cố.
Ông Thuấn khẳng định đoàn kiểm tra của Bộ GTVT sẽ kiểm tra khảo sát lại sau khi Cục Đăng kiểm VN đã hoàn thành việc hướng dẫn chủ tàu sửa chữa đảm bảo yêu cầu an toàn, phòng cháy chữa cháy. Sở GTVT hai đầu bến, Cục Đường thuỷ nội địa sẽ cho phép hoạt động trở lại khi tất cả các điều kiện an toàn nói trên được đáp ứng. Trong trường hợp phát hiện các vi phạm, cơ quan có thẩm quyền dừng hoạt động tàu là cảng vụ.
Theo Giao thông vận tải.