Sau thời gian thí điểm tại 5 tỉnh, phương pháp kiểm tra nồng độ cồn siêu nhanh sẽ được đồng loạt triển khai trên cả nước vào trước Tết Nguyên Đán 2015. Bên cạnh đó, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ đàm phán với Tổ chức Y tế thế giới và nhà tài trợ cung cấp xe chuyên dụng có trang bị trạm kiểm tra di động hiện đại, trong vòng ba phút có thể kiểm tra được cả nồng độ cồn và các chất ma túy đối với người điều khiển ô tô, xe gắn máy tham gia giao thông.
|
CSGT Quảng Ninh kiểm tra nồng độ cồn siêu nhanh khi tài xế vẫn ngồi trên xe (Chụp trên QL18) |
Vi phạm giao thông phải trả tiền xét nghiệm nồng độ cồn
Sau thời gian thí điểm tại 5 tỉnh: Quảng Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Vĩnh Phúc và Bắc Ninh, từ đầu tháng 6, Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục VII) Bộ Công an đã có văn bản hướng dẫn việc kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế tới các địa phương trên cả nước. Theo phương pháp mới này, tài xế không cần xuống xe, chỉ cần ngồi tại chỗ khi máy đo đưa đến để kiểm tra, xác định. Nếu không phát hiện nồng độ cồn, lái xe có thể cho xe đi luôn, tiết kiệm thời gian, hạn chế bức xúc của chính người được kiểm tra lẫn người ở phía sau.
Triển khai còn lúng túng
Đã 2 tháng sau khi Tổng cục VII quyết định nhân rộng phương pháp kiểm tra nồng độ cồn siêu nhanh, một số địa phương vẫn chưa chịu triển khai hoặc triển khai còn nhiều lúng túng.
Cho rằng địa bàn không phù hợp bởi có nhiều tuyến nhỏ hẹp, Thượng tá Vũ Duy Đông, Phó phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An cũng tỏ ra e ngại “nếu đi sâu một chuyên đề về nồng độ cồn, các chuyên đề, hành vi vi phạm khác bị bỏ qua”. Đó cũng chính là lý do được Thượng tá Đông đưa ra để lý giải vì sao Nghệ An vẫn sử dụng máy đo nồng độ cồn trực tiếp.
Tại TP HCM, Thượng tá Trần Văn Thương, Phó trưởng phòng CSGT cho biết, lực lượng chức năng thành phố đã triển khai kiểm soát nồng độ cồn theo phương pháp mới song gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong việc tìm địa điểm đặt chốt kiểm tra nồng độ cồn. Lực lượng chức năng thành phố thậm chí đã bị nhiều đơn thư tố cáo cho rằng ghét quán nọ, bỏ qua quán kia. Không ít trường hợp lực lượng chức năng đang thi hành công vụ đã bị người dân ném đá phản ứng. “Nhiều lúc, CATP đã phải huy động cả CSCĐ, CSHS, công an phường và cả TNTN đưa những trường hợp chống đối về công an phường giải quyết” - Thượng tá Thương nói.
|
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, để triển khai có hiệu quả việc kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế, tới đây, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ cung cấp băng hình gửi từ thực tế ở Quảng Ninh về các địa phương làm tài liệu học tập. Bên cạnh đó, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ đàm phán với Tổ chức Y tế thế giới và nhà tài trợ sẽ cung cấp một xe chuyên dụng có trang bị trạm kiểm tra di động hiện đại. Theo đó, trong vòng ba phút có thể kiểm tra được cả nồng độ cồn và các chất ma tuý đối với người điều khiển phương tiện ô tô, xe gắn máy tham gia giao thông. Sau đó, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục nghiên cứu để đưa các thiết bị này vào trang bị thường xuyên của Bộ Công an nhằm phát hiện và ngăn chặn nguy cơ TNGT có nguyên nhân từ rượu, bia và các chất ma túy.
Theo Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BYT-BCA quy định về xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vừa được liên Bộ Y tế - Công an ban hành, có hiệu lực thi hành từ 19/9, người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vi phạm Luật Giao thông phải chi trả chi phí xét nghiệm nồng độ cồn trong máu theo giá dịch vụ khám, chữa bệnh.
Cụ thể, bốn trường hợp phải xét nghiệm nồng độ cồn trong máu bao gồm: Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gây tai nạn, bị TNGT hoặc có liên quan đến vụ TNGT được cán bộ công an đang làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết TNGT yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu; Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có dấu hiệu sử dụng chất có cồn được cán bộ công an đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu và người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ bị TNGT được đưa đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được bác sĩ chỉ định xét nghiệm nồng độ cồn trong máu.
|
Tài xế không cần xuống xe, chỉ cần ngồi tại chỗ khi máy đo đưa đến để kiểm tra, xác định nồng độ cồn |
Đồng loạt triển khai trước Tết Nguyên đán 2015
Đánh giá về thực tế triển khai phương pháp kiểm tra nồng độ cồn siêu nhanh thời gian qua, Đại tá Vũ Quý Phi, Phó cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt, Phó chánh VP Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, nhiều cán bộ, chiến sỹ đã được học tập và sử dụng máy kiểm tra nồng độ cồn. Thế nhưng, đến khi ra hiện trường vẫn còn cán bộ, chiến sỹ thao tác sai quy trình. Công tác bảo quản máy kém, phân công nhiệm vụ cán bộ, chiến sỹ chưa rõ ràng nên thời gian xử lý còn chậm, khảo sát địa bàn, thời gian triển khai, công tác tuyên truyền chưa hiệu quả, tác phong của cán bộ, chiến sỹ chưa thân thiện… dẫn đến hiệu quả chưa cao, người dân còn bức xúc.
Liên quan đến việc nhiều địa phương còn “ngại” triển khai kiểm tra nồng độ cồn theo phương pháp mới, Trung tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục VII cho rằng, nguyên nhân là do các địa phương còn chưa linh hoạt. “Nếu các địa phương chỉ cần dành mỗi ngày từ 1 - 2h hoặc một tuần 2 - 3 buổi thì hiệu quả xử lý vi phạm sẽ cao hơn nhiều. Chúng ta không tập trung vào xử phạt mà phải tạo hiệu ứng, làm thay đổi ý thức của người tham gia giao thông, tuyệt đối không sử dụng rượu, bia khi lái xe. Không phải là chúng ta không làm được mà vấn đề là chúng ta có quyết tâm làm hay không”, Trung tướng nhấn mạnh.
Cũng theo Trung tướng Đỗ Đình Nghị, tháng 9 và 10 tới, Tổng cục VII sẽ tổ chức tập huấn cho CSGT toàn quốc về phương thức kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế. Cùng đó, Tổng cục sẽ tìm nguồn trang bị thêm camera ghi hình, máy phát hiện và đo nồng độ cồn, đèn phát sáng… cho các địa phương để có thể triển khai kiểm tra nồng độ cồn theo phương pháp mới đồng loạt trên cả nước vào trước Tết Nguyên đán 2015.
Theo Giao thông vận tải.
|