Hiện nay, các Bộ, ngành, địa phương và tổ chức liên quan đang tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 478/TTg-KTN ngày 16/4/2014 về tăng cường thực hiện các giải pháp siết chặt kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ. Các cơ quan thuộc Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải đã và đang triển khai thực hiện tốt, có hiệu quả Kế hoạch số 12593/KHPH-BGTVT-BCA về phối hợp thực hiện việc tuần tra, kiểm soát và xử lý (TTKS, XLVP) hành vi vi phạm chở hàng vượt quá trọng tải của ô tô vận chuyển hàng hóa trên đường bộ. Kết quả sau hơn 4 tháng triển khai, công tác kiểm tra tải trọng xe (KTTTX) trên cả nước bằng bộ cân KTTTX đã đạt được kết quả tốt, lượng xe quá tải đã giảm nhiều.
Tuy nhiên, công tác KTTTX vẫn gặp một số khó khăn như thiếu lực lượng, thiếu kinh phí hoạt động… trong đó vấn đề thiếu lực lượng có ảnh hưởng đến thời gian kiểm tra, xử lý các xe vi phạm. Đặc biệt, các Trạm KTTTX mà lực lượng Cảnh sát giao thông đảm nhiệm việc dừng xe và lập biên bản vi phạm nhưng chỉ bố trí 2 cán bộ/ca thì sau khi dừng xe, nếu xe vi phạm lại phải vào lập biên bản, trong thời gian đó không có cán bộ dừng xe. Đây là sơ hở để các xe quá tải khác lợi dụng vượt Trạm.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả hơn, đồng thời khắc phục những khó khăn, bất cập nêu trên, Bộ GTVT đề nghị Bộ Công an thống nhất để chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện một số nội dung sau:
Tích hợp biên bản vi phạm hành chính vào phần mềm quản lý dữ liệu tải trọng xe, để sau khi cân kiểm tra xong xe vi phạm thì đồng thời phần mềm sẽ in ra cả phiếu cân và biên bản vi phạm hành chính, lực lượng Thanh tra giao thông hoặc Cảnh sát giao thông ký phiếu cân và biên bản vi phạm hành chính. Như vậy, việc cân xe và lập biên bản chỉ do 01 người đảm nhiệm. Việc quản lý và bảo mật số sêri biên bản sẽ được thực hiện bằng phần mềm bảo mật.
Trường hợp những địa phương mà lực lượng Cảnh sát giao thông thiếu người thì giao việc lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt cho lực lượng Thanh tra giao thông.
Theo Bộ Giao thông vận tải.