Nhiều cảng hoạt động èo ọt
Theo báo cáo của Cục Hàng hải, các loại phí và phụ phí mà DN ra vào cảng Cát Lái bị thu vô lý, bao gồm: Phí dịch vụ container; Phí mất cân đối container; Phí sửa chữa vỏ container; Phí vệ sinh container; Phí thủ tục; Phí hóa đơn; Phí lưu kho bãi; Phí cầu đường; Phí tắc nghẽn tại cảng; Phụ phí xăng, dầu (hãng tàu thu khi giá xăng, dầu tăng. Cục Hàng hải cho biết, đang kiến nghị cho phép đơn vị này phối hợp với các cơ quan chuyên ngành để thành lập tổ công tác liên ngành để tổ chức giám sát việc thu phụ phí tàu biển, đảm bảo đúng quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế hiện hành. | Theo báo cáo của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, 6 tháng đầu năm nay, chỉ riêng cảng Cát Lái tăng sản lượng hàng hóa 12%, trong khi nhiều cảng khác trong tình trạng hoạt động èo uột. Đáng chú ý, do lượng hàng hóa từ khu vực Cái Mép chuyển về Cát Lái giao hàng ngày càng lớn đã khiến cho Cát Lái rơi vào tình trạng ùn ứ từ gần 1 tháng qua. Bất cập ở chỗ là trong khi cảng Cái Mép có tổng công suất 7 triệu TEU/năm thì công suất hiện tại chỉ đạt 1,2 triệu TEU/năm. TEU là đơn vị đo hàng hóa tương đương 1 container 39m3. Chênh lệch quá lớn giữa lượng hàng tại Cát Lái và Cái Mép phản ánh nhiều bất cập hiện nay trong công tác quản lý. Tuy nhiên, theo ông Hồ Kim Lân, Tổng thư ký Hiệp hội Cảng biển Việt Nam thì nguyên nhân rất quan trọng là cảng Cát Lái hiện nằm ở vị trí thuận lợi, bên cạnh chi phí giảm so với cụm cảng Cát Lái. Chính vì vậy, Hiệp hội Cảng biển đã nhiều lần đề xuất cơ chế điều chỉnh giá, các loại phí và phụ thu phù hợp tại Cát Lái để thu hút hàng hóa từ các tỉnh Đông Nam bộ, tránh tình trạng hàng hóa ùn ứ về Cát Lái quá nhiều như thời gian qua.
Tổng công ty Tân Cảng đưa ra phương án trước mắt là nâng cấp thêm 4 cẩu bờ, 6 cẩu bãi và đẩy nhanh thi công và mua sẵn thiết bị đưa cảng Tân Cảng- Hiệp Phước vào khai thác. Ngoài ra, đơn vị này hợp đồng với cảng Phú Hữu - Bến Nghé để sớm đưa cảng vào hoạt động, giảm quá tải cho Cát Lái.
Theo ông Võ Hoàng Giang, Phó Tổng GĐ Cảng Sài Gòn, hiện nay để phát triển đồng đều các cảng trên địa bàn TPHCM, bên cạnh việc giảm tải, đảm bảo lưu thông hàng hóa tại cảng Cát Lái thì các Ban ngành chức năng cần tạo cơ chế phát triển cảng Cái Mép - Thị Vải vốn chưa khai thác hết công suất. Theo ông Giang, cảng Cái Mép - Thị Vải do vị trí chưa thuận lợi nên các chủ tàu vẫn có tâm lý lựa chọn Cát Lái. Tuy nhiên, nếu có chính sách phù hợp thì cảng này vẫn có nhiều thuận lợi để phát triển. Bên cạnh đó, nhiều hiệp hội chuyên ngành cũng đề nghị TPHCM cần đề xuất chính phủ chỉ đạo các giải pháp để chủ động phân luồng, chia sẻ khai thác giữa Cảng Container SPCT (huyện Nhà Bè, TPHCM) và cảng Cát Lái để giảm bớt áp lực quá tải kéo dài tại cảng này trong thời gian qua.
Hàng hóa nằm đợi tại cảng Cát Lái
Giải quyết ùn ứ tại cảng Cát Lái
Từ đầu tháng 7, Cảng Cát Lái xảy ra tình trạng ùn tắc lưu thông hàng hóa. Nguyên nhân chủ yếu là do quá trình thi công dự án cải tạo, nâng cấp hoàn thiện mặt đường tuyến Vành đai 2, là tuyến đường chính dẫn vào cảng. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo của Bộ GTVT, Cục Hàng hải, UBND TPHCM, mà trực tiếp là Tổng Công ty Tân Cảng, tình hình ùn tắc phần nào đã được giải quyết.
Ghi nhận của phóng viên, nhiều ngày qua, dù cảng Cát Lái đã hết tắc nghẽn lưu thông hàng hóa, tuy nhiên nhiều đại lý, hãng tàu vẫn thực hiện thu phí tắc nghẽn. Các DN vận tải vào cảng phản ánh, phí dịch vụ container do các đơn vị này thu có mức phí cao hơn nhiều so với các cảng khác ngay tại TPHCM. Trong khi đó, DN cũng phải chi trả nhiều loại phí khác, như phí mất cân đối container, phí vệ sinh container…
Đáng chú ý, một số DN phản ánh đã phải chi trả đến 10 loại phí phát sinh khác nhau, và hầu hết đều hết sức vô lý. Ngoài các phí trên, các DN này còn phải đóng phí dịch vụ container, phí sửa chữa vỏ container, phí mất cân đối container, phí tắc nghẽn cảng, phí thủ tục, phí lưu kho bãi…Thậm chí, các hãng tàu, đại lý dán thông báo công khai việc sẽ triển khai thu các phí trên trong thời gian từ ngày 15-8 hoặc từ ngày 1-9, dù tình trạng tắc nghẽn lưu thông hàng hóa đã được vãn hồi.
Liên quan đến tình trạng trên, UBND TPHCM đã tổ chức cuộc họp với đại diện Bộ GTVT, Quân chủng Hải quân, Tổng Công ty Tân Cảng và các đại lý, hãng tàu, đại diện các DN có hàng hóa ra vào cảng để đánh giá, tìm giải pháp khắc phục. Ông Bùi Thiên Thu, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải đã yêu cầu các đại lý, hãng tàu ngưng việc thu phí tắc nghẽn tại cảng Cát Lái nhằm đảm bảo lợi ích cho các DN xuất nhập khẩu ra vào cảng.
Theo ông Thu, hiện nay thông lệ quốc tế quy định các loại phí như phát sinh như phí tắc nghẽn cảng chỉ được phép thu khi phát sinh tắc nghẽn giao thông ra vào cảng. Do đó, phí này sẽ ngưng thu khi tình hình tắc nghẽn được giải quyết, đảm bảo không làm tăng chi phí vận tải và giá thành sản phẩm, cũng như đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động lưu thông hàng hóa.
Hiện nay, phương án được ưu tiên giải quyết là đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án "Cải tạo, nâng cấp hoàn thiện mặt đường tuyến Vành đai 2 (đoạn từ cầu Phú Mỹ đến đường Đồng Văn Cống)”. Đây là tuyến đường giao thông kết nối quan trọng ra vào khu vực cảng Cát Lái; đồng thời đóng nhiệm vụ điều tiết, phân luồng và hướng dẫn lưu thông trong trường hợp cảng quá tải hàng hóa ra vào cảng.
Ngoài dự án cải tạo Vành đai 2, TPHCM cũng sẽ nghiên cứu thu hút đầu tư xây dựng một số công trình, như: cầu vượt nút giao thông Vành đai 2- Đồng Văn Cống; đường kết nối cảng Cát Lái và khu vực cảng Phú Hữu (Q9); nâng cao hiệu quả hoạt động tại các cảng biển Nhóm 5 theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Cảng Cát Lái hiện chiếm tới 85% thị phần xuất khẩu hàng container, do đó, cảng này được chính quyền TPHCM, cũng như Bộ GTVT đặc biệt quan tâm. Đặc biệt, trong công văn số 1178/TTg-KTN vào ngày 6/8 mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo UBND TP phối hợp với Bộ GTVT để triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả của các cảng biển then chốt, trong đó có cảng Cát Lái. |