Tại TP HCM, chiều 31-7, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng đã chủ trì hội nghị “Bàn giải pháp thúc đẩy lưu thông hàng hóa tại cảng Cát Lái”. Đại diện các cảng, hãng tàu và doanh nghiệp (DN) đã có nhiều kiến nghị nhằm giảm tình trạng ùn ứ hàng ở Cát Lái cũng như thúc đẩy việc phát triển đồng bộ các cảng khác ở khu vực phía Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh và hướng ra quốc tế.
Nơi ùn ứ, nơi “ế”
Ông Hồ Kim Lân, Tổng Thư ký Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, cho rằng một trong những nguyên nhân làm cho cảng Cát Lái ùn ứ còn các cảng khác “ế” là do năng lực quản lý, khai thác cảng, trong đó có việc áp dụng công nghệ chưa đồng bộ, cung cách phục vụ khách hàng chưa tốt. “Khâu quản lý và điều tiết thị trường hiện nay còn rất yếu vì phần lớn những việc này giao cho hãng tàu nước ngoài và bị chi phối hoàn toàn” - ông Lân nói.
Còn theo bà Phạm Thị Thùy Vân, Phó Giám đốc Marketing Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, cảng Cái Mép có tổng công suất 7 triệu TEU/năm nhưng hiện chỉ đạt 1,2 triệu TEU/năm. Tàu về cảng Cát Lái nhiều mà không về cảng Cái Mép một phần là do cảng Cát Lái có vị trí thuận lợi, hệ thống cảng ICD thuận tiện, chi phí giảm hơn so với cảng Cái Mép. Bà Vân đề xuất cần có cơ chế giảm giá, lệ phí không hợp lý trên đường vận chuyển từ cảng Cái Mép về TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương để thu hút DN.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng khẳng định sẽ có giải pháp hạn chế ùn ứ tại các cảng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Nhiều DN bức xúc về việc sau khi Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn tăng một số phí nhằm giảm ùn ứ hàng tại Cảng Cát Lái thì một số hãng tàu cũng tăng phí 100 USD/cont 40 feet, 50 USD/cont 50 feet mà không nêu lý do. “Cần có cơ chế tổng thể trong việc quản lý, khai thác cảng chứ không phải để xảy ra sự cạnh tranh hỗn loạn giữa các cảng với nhau như hiện nay” - ông Hồ Kim Lân kiến nghị.
Trước tình trạng ùn ứ hàng ở cảng Cát Lái, đại diện các cảng thuộc TP HCM và các vùng lân cận cho biết sẵn sàng tiếp nhận tàu từ cảng Cát Lái. Bà Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc Cảng Container SPCT (huyện Nhà Bè, TP HCM), nói hiện cảng này đang thừa công suất, sẵn sàng chia sẻ với các cảng bạn. Ngoài ra, theo bà Quỳnh, từ đầu năm đến nay, cảng đã chủ động liên hệ, vận động các hãng tàu chuyển qua tàu lớn đi theo luồng Soài Rạp để tránh quá tải cho khu vực Cát Lái.
Cần giải pháp đồng bộ, toàn diện
Sau buổi khảo sát tại cảng Cát Lái vào sáng cùng ngày, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhận định tình trạng ùn ứ hàng cơ bản đã được giải quyết. Tuy nhiên, về lâu dài phải có giải pháp tổng thể và chiến lược không chỉ cho cảng Cát Lái mà cả khu vực.
“Bộ GTVT hết sức chia sẻ với những khó khăn của các DN. Bộ cũng nhận thấy việc hoạt động chưa đều của các cảng có một phần trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Rõ ràng, việc xây dựng chiến lược quy hoạch phát triển chưa thực sự phù hợp với thực tiễn, dự báo chưa tốt nên việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, dẫn đến ùn tắc thời gian qua. Để giải quyết tình trạng này, cần giải pháp đồng bộ, toàn diện và có sự đồng thuận từ các cơ quan, DN, hãng tàu và cả chủ hàng” - Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết sáng 5-8, Bộ GTVT sẽ họp trực tuyến với các DN cảng, hãng tàu cả nước để nghe báo cáo về những thuận lợi, khó khăn nhằm có giải pháp xử lý tồn tại, bất cập. “Tôi khẳng định chủ trương của Đảng, Chính phủ là tạo mọi điều kiện cho DN thuộc các thành phần kinh tế cùng phát triển, chứ không có chuyện đối xử không công bằng giữa đơn vị nhà nước hay tư nhân” - Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Giảm phí bằng 0 tại cảng Cái Mép
Nhằm giải tỏa ùn ứ, Bộ trưởng Đinh La Thăng thống nhất với đề nghị của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đồng ý cho dời trạm cân ngay cảng ra bên ngoài nhưng các DN phải bảo đảm việc xếp hàng hóa đúng tải trọng. Về việc giảm phí và giá, trước mắt, bộ sẽ xem xét, chấp nhận giảm phí bằng 0 tại cảng Cái Mép để thu hút tàu về. Tuy nhiên, việc đầu tư vào cảng này tốn hàng tỉ USD nên về sau cần tính toán lại cho hợp lý.
Ngoài ra, Bộ GTVT đang xây dựng đề án nâng cao hiệu quả khai thác các cảng biển, thúc đẩy hoàn thành hàng loạt hệ thống đường kết nối các tỉnh lân cận, TP HCM. Đường cao tốc Long Thành sẽ cố gắng hoàn thành trong năm nay. Tiến độ thi công đường Vành đai 2 sẽ hoàn thành trước tháng 8-2014.
Theo nld.com.vn