Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, mạng giao thông thuỷ nội địa vùng đồng bằng sông Cửu Long dài 13.000 km nhưng hoạt động vận tải lại quá yếu. Hiện chỉ có vỏn vẹn 5 trong hơn 2.500 bến cảng thủy nội địa trong vùng có khả năng bốc xếp hàng container.
Tại hội nghị vận tải thủy đồng bằng sông Cửu Long ngày 21/7, Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể cho biết 70% lượng hàng hóa của vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn phải chuyển tải về các cảng biển TP HCM và Cái Mép bằng đường bộ, khiến doanh nghiệp phải gánh chịu chi phí vận tải cao hơn 10-60%. Trong khi đó, năng lực vận tải container bằng đường thủy nội địa khó có thể tăng cao hơn nữa do bất cập về cơ sở hạ tầng, thiếu các bến cảng chuyên dụng có khả năng bốc xếp container…
|
Vận tải đường thủy tại đồng bằng sông Cửu Long bị xếp vào loại yếu. Ảnh: Đoàn Loan. |
Lãnh đạo Vụ Vận tải, Bộ Giao thông đánh giá, nguyên nhân do kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ và hoạt động trung chuyển giữa các loại hình vận tải chưa thực sự thuận lợi. Các tuyến đường thủy nội địa hạn chế khả năng khai thác phương tiện lớn, tốc độ cao, đồng thời hệ thống bến bãi và các dịch vụ đầu cuối cũng chưa phát triển làm cho vận tải thủy nội địa chưa phát huy được lợi thế.
Ngoài ra, mối liên kết vận tải bằng đường bộ nội vùng, khu vực còn rất hạn chế. Mạng lưới đường bộ địa phương chưa phát triển đồng bộ cả về số lượng và chất lượng do bị sông kênh chia cắt nhiều, nguy cơ ngập lụt thường xuyên. Toàn bộ các cảng biển ở đồng bằng sông Cửu Long không có đường sắt kết nối đến cảng.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Đinh La Thăng thừa nhận lâu nay vận tải thủy chưa được quan tâm đúng mức và lỗi thuộc về quản lý Nhà nước mà cụ thể là Cục Đường thủy nội địa. Thay mặt Bộ Giao thông, ông Thăng nhận trách nhiệm về tình hình này.
“Có tư duy ăn xổi trong phát triển hệ thống giao thông đường thủy. Tình trạng này cần phải chấm dứt ngay trong thời gian tới", Bộ trưởng Thăng chỉ đạo.
Ông Thăng khẳng định sẽ rà soát lại quy hoạch ngành để đầu tư đúng trọng điểm, phát huy tối đa lợi thế vận tải đặc thù ở khu vực, hình thành thị trường vận tải minh bạch, có sức cạnh tranh cao để kéo giảm chi phí vận tải. Ông yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam ngay trong quý IV công bố tuyến vận tải ven biển từ TP HCM, Vũng Tàu tới Cà Mau. Việc này sẽ giúp các doanh nghiệp vận tải tiết kiệm được chi phí và thời gian vận chuyển, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế.
Cùng với đó, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị có trách nhiệm phải căn cứ thực tiễn để rà soát lại, sửa đổi chính sách. "Không ngồi trong phòng điều hòa máy lạnh để làm cơ chế" gây khó khăn cho doanh nghiệp và nhân dân.
Theo vnexpress.net