DN lo ngại tuyến vận tải ven biển với cước phí giảm nhưng sẽ nảy sinh nhiều phụ phí. Ảnh: Danh Lam Nhiều kỳ vọng Theo báo cáo đánh giá của đại diện Cục Hàng hải Việt Nam, khối lượng hàng hóa vận chuyển đường bộ từ Hải Phòng đến Hà Tĩnh là hơn 600.000 tấn/tháng. Theo đó, nhu cầu sử dụng phương tiện đường bộ (đối với xe ô tô có trọng tải 30 tấn) cần khoảng 20.000 lượt xe. Trong khi với số lượng này nếu sử dụng phương tiện đường thủy (với phương tiện có trọng tải 1.000 tấn) chỉ cần hơn 600 lượt phương tiện. Đó là chưa nói đến vận tải đường bộ hiện đang bộc lộ khá nhiều bất cập như: Thường trực nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, nhiều quy định, luật lệ về giao thông đường bộ còn chưa đồng bộ, chưa thống nhất... Chính vì thế, việc mở tuyến vận tải ven biển này, theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, là “rất cần thiết, giúp bổ sung, điều hòa cho các loại hình vận tải khác, giúp DN tiết kiệm được 25-30% cước phí”. Cũng theo ông Liên, Việt Nam là nước có đường bờ biển dài, các “chân hàng” (cảng biển, khu công nghiệp, khu nuôi trồng - chế biến thủy hải sản) đều bám sát biển nên sẽ dễ dàng cho việc vận tải đường thủy hơn. Về phía DN, ông Nguyễn Thượng Uyển, đại diện Công ty Cổ phần XNK thủy sản Quảng Ninh cho biết, hiện nay, để vận chuyển hàng hóa nội địa, Công ty phải sử dụng vận tải đường bộ với chi phí đắt. Theo tính toán, chi phí đường bộ từ Quảng Ninh đi TP.HCM lên đến khoảng 80 triệu đồng, tương đương với phí vận tải đường biển đi Mỹ. Hơn nữa, vận tải đường bộ đường dài rất dễ nảy sinh nhiều vấn đề về an toàn giao thông, nên nhiều DN rất hy vọng tuyến đường này sẽ đỡ được phần nào gánh nặng về vận tải. Ông Bùi Danh Liên còn cho rằng, chủ trương phát triển tuyến vận tải ven biển còn tạo cơ hội cho ngành hàng hải trong nước phát triển, tận dụng được một số lượng phương tiện vận tải đường thủy còn dư thừa từ thời chiến tranh để lại. Bên cạnh đó, ông Liên cũng cho biết, tuyến vận tải này mới là thí điểm, từng bước một, Bộ Giao thông vận tải sẽ tận dụng phương tiện đường thủy một cách tối đa để giao thông thông suốt hơn. Nỗi lo chi phí Tuyến đường vận tải ven biển được công bố với rất nhiều kỳ vọng như thế, nhưng về phía các DN, hầu hết khi được hỏi đều có chung mối lo lắng về những chi phí phát sinh khi sử dụng vận tải biển như: Chi phí xếp dỡ, chi phí bến bãi, chi phí vận chuyển hàng từ nhà máy ra cảng và ngược lại… Đại diện một DN chuyên XNK và phân phối dược phẩm cho rằng, sử dụng vận tải đường biển đúng là chi phí có giảm hơn nhiều so với đường bộ, nhưng điều băn khoăn là các phụ phí và dịch vụ, thủ tục ở cảng biển có giảm hay không? Vận tải đường bộ có cái lợi là chuyển hàng trực tiếp “door to door”, không phải qua khâu lưu kho và trung gian. Với vận tải đường biển, hàng hóa phải qua nhiều chặng, nhiều khâu mới tới được điểm đến. Vì thế, cước vận tải giảm nhưng tổng chi phí có lẽ còn nhiều hơn (?). Còn theo bà Nguyễn Thanh Thủy, đại diện thương mại Công ty TNHH Coats Phong Phú (Hưng Yên), nhược điểm của vận tải đường biển là mất nhiều thời gian hơn, ngoài ra, DN còn phải mất thêm phụ phí và nhân lực để chuyển hàng từ Hưng Yên về cảng Hải Phòng và ngược lại. Chính vì thế, tuyến vận tải này phù hợp hơn với các DN ở ngay gần cảng. Cũng nói về những bất lợi của tuyến đường ven biển này, ông Nguyễn Thượng Uyển cho biết, muốn để tuyến vận tải ven biển này thu hút hơn thì các dịch vụ đi kèm cũng cần phải có những điều chỉnh, thay đổi để tránh mất nhiều phụ phí và thời gian của DN. Tuyến đường này chỉ phù hợp với DN có số lượng hàng lớn, vận chuyển đường dài. Cũng đồng tình với quan điểm này, ông Bùi Danh Liên cho rằng, tuyến vận tải ven biển phù hợp với tùy từng mặt hàng, chủ yếu sẽ là hàng khô, hàng rời và hàng nặng như sắt thép, xi măng… Chính từ những thắc mắc của các DN nêu trên, Cục Hàng hải Việt Nam đã có công văn số 2705 gửi các cơ quan có liên quan về việc triển khai Quyết định công bố tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình. Theo đó, các cơ quan chịu trách nhiệm về cảng biển, các DN vận tải thủy phải cùng phối hợp thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho tàu đến và rời cảng; làm thủ tục nhanh, bố trí nhân lực 24/7 để đáp ứng nhu cầu hoạt động tại cảng; tránh tăng giá tùy tiện đồng thời tiết giảm tối đa các chi phí liên quan để duy trì và mở rộng tuyến vận tải để cạnh tranh với các hình thức vận tải khác. Để cụ thể hơn, theo ông Nguyễn Duy Dũng, Giám đốc Cảng vụ Thanh Hóa, tất cả các phụ phí tại cảng đã được quy định rõ ràng, sẽ không có hiện tượng tăng giá bất hợp lý. Các thủ tục tại cảng cũng đã được tổ chức cho thuận lợi hơn, giảm bớt tiêu cực giúp DN chuyển hàng nhanh chóng. Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cũng cho biết, các thủ tục đã được điều chỉnh giảm bớt và áp dụng như đối với tàu biển nên rút ngắn thời gian làm việc xuống còn 2 giờ. Sắp tới đây, Cục sẽ tổng hợp ý kiến đánh giá từ DN và các bên liên quan để có những điều chỉnh phù hợp hơn nữa cho tuyến vận tải này. |