Ngày 22-23/8/2014, Đoàn công tác của Cục HHVN do Phó Cục trưởng Bùi Thiên Thu làm trưởng đoàn đã tiến hành làm việc với các doanh nghiệp tại khu vực từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi về nhu cầu hàng hóa cần vận chuyển trên tuyến ven biển và hoạt động vận chuyển hàng hóa trên tuyến ven biển tại Thanh Hóa, tham dự làm việc cùng Phó Cục trưởng có lãnh đạo Phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải và các Cảng vụ Hàng hải liên quan.
Tại khu vực Quảng Nam, hàng hóa vận chuyển nội địa tăng hơn so với cùng kỳ trên 100 ngàn tấn (đến 8/2014 đạt 508.292 tấn so với cùng kỳ năm 2013 là 384.780 tấn), nhu cầu hàng hóa tại khu vực như clinker, xi măng, hàng tổng hợp… được vận chuyển từ Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Bình…, nhu cầu bột đá từ cảng thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, Ninh Bình khoảng 100 ngàn tấn/năm rất phù hợp với loại tàu VR-SB nhưng chưa có tuyến, một số doanh nghiệp đang có kế hoạch nâng cấp cầu bến và mở rộng kho bãi kinh doanh đáp ứng nhu cầu tại khu vực.
Tại khu vực Quảng Ngãi đã có nhu cầu đưa tàu VR-SB vào hoạt động nhưng do chưa có tuyến nên tàu chưa thể hoạt động được, nhu cầu hàng hóa cần vận chuyển nội địa lớn, nhưng khu vực không đủ cầu bến để đáp ứng, mặt khác việc thuê tàu để vận chuyển hàng hóa tại khu vực rất khó khăn, cụ thể nhu cầu vận chuyển thiết bị tại khu vực đi các dự án Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Nhà máy nhiệt điện tại Vĩnh Tân, Cần Thơ, Trà Vinh…
Tại khu vực Đà Nẵng có nhu cầu hàng hóa cần vận chuyển: xăng dầu, clinker, phân bón, gỗ, sắt thép… khối lượng trên 400.000 tấn/năm. Hàng hóa chủ yếu cần vận chuyển từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa vào Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng và ngược lại, một số loại hàng cần vận chuyển từ khu vực đi Quy Nhơn. Hiện tại, theo báo cáo của các doanh nghiệp việc thuê tàu tại khu vực tương đối khó khăn, do trong khu vực không có chủ tàu và hàng hóa cần vận chuyển chủ yếu là các tuyến ngắn do trước đây chủ yếu được vận chuyển bằng đường bộ.
Ngay sau đợt làm việc về nhu cầu vận chuyển hàng hóa tại khu vực từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi, cho thấy nhu cầu vận chuyển clinker, xi măng từ Ninh Bình, Thanh Hóa cho khu vực này rất lớn. Kiểm tra hoạt động vận chuyển hàng hóa trên tuyến ven biển tại Thanh Hóa, lượng xi măng, clinker từ Ninh Bình, Thanh Hóa đi Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đang do tàu biển đảm nhận, tuy nhiên theo báo cáo của doanh nghiệp tại khu vực rất khó để thuê tàu có trọng tải 1.000 – 2.000 tấn để vận chuyển, vì trọng tải tàu này rất phù hợp với độ sâu của luồng, cũng như năng lực của cảng. Theo báo cáo của Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa, sau gần 2 tháng chính thức hoạt động lượng tàu và hàng hóa đến cảng tăng lên gấp đôi so với tháng đầu tiên và nhu cầu vận chuyển hàng hóa đến và đi tại khu vực vẫn đang tăng.
Đoàn công tác đã tiến hành khảo sát năng lực bốc xếp tại các cảng biển của khu vực: các bến cảng tại Kỳ Hà, cảng Lễ Môn.
Tại các buổi làm việc, Đoàn công tác đã lắng nghe và trao đổi thẳng thắn, cởi mở với các doanh nghiệp về những thuận lợi, khó khăn cũng như đề xuất và mong muốn các cơ quan tạo điều kiện mở tuyến vận tải để giúp doanh nghiệp có nhu cầu vận chuyển hàng hóa được thuận lợi. Đoàn công tác tiếp thu tất cả các ý kiến của các doanh nghiệp và sẽ tổng hợp, đề xuất và báo cáo Bộ GTVT xem xét quyết định. Phó Cục trưởng Bùi Thiên Thu cũng yêu cầu Cảng vụ Hàng hải khu vực phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp cảng để có kế hoạch cho tàu ra vào làm hàng hợp lý đảm bảo an toàn hiệu quả, đối với cảng chấp hành tốt chủ trương về tải trọng hàng hóa và chủ động phương án nâng cao năng lực giải phóng hàng nhanh, tránh tình trạng tàu phải nằm chờ cầu dài ngày, đồng thời Cảng vụ Hàng hải cần tăng cường trao đổi với doanh nghiệp tại khu vực để nắm bắt những khó khăn vướng mắc để kịp thời giải quyết.
Theo Cục hàng hải Việt Nam.