Vinalines vừa yêu cầu các doanh nghiệp vận tải thành viên nâng cao cảnh giới an ninh trước tình trạng cướp biển gia tăng trong khu vực Đông Nam Á.
Phòng cướp là việc cần làm
Tổng công ty hàng hải Vinalines yêu cầu các doanh nghiệp vận tải biển tăng cường cảnh giới an ninh khi tàu hoạt động trên vùng biển trong khu vực, tuân thủ các kế hoạch an ninh tàu biển đã được duyệt và thường xuyên giữ liên lạc với đất liền để có sự phối hợp trong mọi tình huống.
Chia sẻ với Đất Việt, trước thông tin này, ngày 21/8, ông Lê Anh Sơn - Tổng giám đốc Vinalines cho biết: "Vừa qua, Vinalines đã nhận được những thông tin liên quan đến cướp biển từ Bộ công an, trước đó, Tổng công ty cũng đã từng nhận được thông tin từ nhiều nguồn tin chuyên ngành của các tổ chức trong nước và quốc tế".
Bên cạnh đó, ông Sơn cũng cho biết thêm: "Sau khi có thông tin ở khu vực nào có cướp biển, thì Vinalines sẽ ngay lập tức có khuyến cáo với tàu bè, các DN thành viên đi qua khu vực đó phải cẩn trọng".
Nói về tiền lệ xảy ra sự cố bị cướp biển tấn công, theo ông Sơn chia sẻ thì trong những năm gần đây, tàu của Vinalines chưa xảy ra sự cố nào.
Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng: "Dù có xảy ra hay chưa xảy ra thì cũng phải phòng tránh, trong 1-2 năm gần đây thì hoàn toàn không có, nhưng không thể khẳng định những năm tiếp theo không xảy ra".
Để phòng tránh những tình huống xấu xảy ra, theo chia sẻ của ông Sơn, trong Sổ tay Quản lý an toàn của các doanh nghiệp vận tải biển thuộc Vinalines đã có quy trình hướng dẫn xử lý các tình huống khẩn cấp, trong đó có cướp biển, thuyền trưởng & thủy thủ đoàn thường xuyên thực tập các tình huống khẩn cấp này.
Thế nhưng, ông Sơn vẫn lo ngại, diễn biến thực tế thì lúc nào cũng phức tạp hơn nên bao giờ cũng phải phòng tránh cẩn thận không được chủ quan.
Chính vì vậy, cần có sự hợp tác của nhiều cơ quan hữu quan, tất cả các nhân viên trên văn phòng, thuyền trưởng và thuyền viên ở dưới tàu cách bài bản thì mới có thể phòng tránh hiệu quả nạn cướp biển.
Thiệt hại ra sao phụ thuộc từng loại tàu hàng
Đứng trước thực tế, đã có nhiều vụ cướp biển xảy ra ở những vùng vịnh như Aden, Vinalines vẫn nhận định và mong Biển Đông sẽ không gặp nạn cướp biển: "Chúng tôi nghĩ chính phủ và nhà nước chắc chắn phải có biện pháp nhất định để bảo vệ an toàn hàng hải thuộc chủ quyền vùng biển của mình".
Về hậu quả, ông Sơn cho rằng, đương nhiên là sẽ có thiệt hại, nhưng lớn hay nhỏ thì phụ thuộc con tàu đó thế nào, hàng hóa ra sao, kéo theo nhiều việc khác.
Tuy nhiên, việc quan trọng là đảm bảo an toàn cho thuyền viên, hàng hóa. Dĩ nhiên, chúng ta biết, việc cảnh báo thì luôn luôn phải cảnh báo, còn thực tế ra sao thì phải trong tình huống cụ thể.
Trước đó, Tổng công ty này đã được Bộ Công an thông báo về việc gia tăng các hoạt động cướp biển ở khu vực Đông Nam Á thời gian qua. Cơ quan này lưu ý đã có sự gia tăng cả về số lượng lẫn tính chất các vụ việc liên quan đến cướp biển trong khu vực ASEAN.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm trong khu vực đã có 8 vụ cướp biển nhắm vào các tàu chở dầu, tăng 3 vụ so với cùng kỳ 2013.
Báo cáo của Trung tâm chia sẻ thông tin chống cướp biển có vũ trang tại Châu Á cũng cho hay, các vụ cướp gần đây thường diễn ra ở những khu vực có nhiều tàu chở dầu kích cỡ vừa, chuyên chở hàng hóa có giá trị và dễ tiêu thụ trên thị trường chợ đen, nhất là dầu lửa.
Nơi thường xảy ra cướp biển thường là vùng biển quốc tế, ít có hoạt động của hải quân như các nước Indonesia, Malaysia và eo biển Malacca.
Khác với ở Somali, cướp biển Đông Nam Á không bắt cóc tống tiền hay sát thương mà chủ yếu nhắm vào hàng hóa trên tàu. Vì vậy, Vinalines yêu cầu các doanh nghiệp vận tải biển tăng cường cảnh giới an ninh khi tàu hoạt động trên vùng biển trong khu vực, tuân thủ các kế hoạch an ninh tàu biển đã được duyệt và thường xuyên giữ liên lạc với đất liền để có sự phối hợp trong mọi tình huống.
Theo báo Đất Việt.