TP HCM có hệ thống đường thủy nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác phù hợp do thiếu đồng bộ và đầu tư chưa hợp lý
Nhu cầu phát triển vận tải hàng hóa bằng đường thủy của TP HCM trong tương lai rất lớn, riêng đường biển, dự kiến đến năm 2020 đạt khoảng 200 triệu tấn. Để đạt được mục tiêu này, chương trình cải tạo các luồng tàu biển, quy hoạch cảng biển khu vực nội thành và kế hoạch di dời cảng biển nội thành đến khu vực mới đang được gấp rút thực hiện.
Nhiều tiềm năng
Tổng chiều dài đường thủy của TP HCM có thể khai thác vận tải là 975 km, hiện có khoảng 693,2 km sông, kênh các loại với 106 tuyến đã được phân cấp và phân công quản lý. Trong đó, hệ thống sông Sài Gòn, sông Đồng Nai (phía Đông TP), kênh Tẽ - kênh Đôi nối dài với sông Chợ Đệm - Bến Lức (phía Tây) vừa giúp TP HCM kết nối với các vùng phụ cận, liên kết các tỉnh miền Đông Nam Bộ, các địa phương thuộc ĐBSCL vừa vươn ra liên kết sông, biển với các địa phương ở miền Trung, miền Bắc và giao thương quốc tế.
Luồng sông Soài Rạp đón tàu 54.000 tấn vào cảng container quốc tế SPCT, mở cơ hội cho giao thông thủy phát triển, hướng ra biển
Bên cạnh đó, luồng sông Sài Gòn - Vũng Tàu có chiều dài 29 km cũng là điều kiện để TP phát triển hệ thống giao thông thủy. Hệ thống các cảng biển như cảng Sài Gòn, Lòng Tàu, Soài Rạp… cũng là vùng có điều kiện tự nhiên đầy tiềm năng, đã và đang được đầu tư phát triển cho mục tiêu dài hạn là xây dựng cảng nước sâu. Mới đây, luồng sông Soài Rạp đón thành công tàu hàng hải tải trọng hơn 54.000 tấn cập cảng Hiệp Phước là một thành công lớn, mở ra hướng phát triển mới cho ngành giao thông hàng hải. Từ đây, các hãng tàu có thể mở các tuyến vận chuyển thẳng từ TP HCM đến các thị trường lớn trên thế giới, không phải trung chuyển qua một cảng trung gian.
“Việc phát triển luồng vận tải đường thủy trên luồng sông Soài Rạp sẽ đồng bộ cùng với cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải để tiếp nhận tàu có trọng tải trên 100.000 tấn và đối với 3 cụm cảng: Vũng Tàu, Đồng Nai và TP HCM. Ngoài ra, với hệ thống kênh rạch dày đặc sẽ tạo điều kiện cho mạng lưới đường thủy phân bố thuận lợi, xen kẽ và đan trải dày đặc nhiều khu vực ở nội thành cũng như ngoại thành, kết nối giao thông thủy để có thể đi ra theo khắp 4 hướng Đông - Bắc - Tây - Nam…” - một lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP cho biết.
Cơ sở hạ tầng phải đồng bộ
Theo Ban Quản lý đầu tư dự án nạo vét luồng Soài Rạp, hiện TP HCM có tổng cộng 74 bến cảng lớn nhỏ, chia thành 4 khu bến cảng: Khu bến cảng trên sông Sài Gòn, bến cảng Tân Cảng Cát Lái, bến cảng trên sông Nhà Bè và bến cảng trên sông Soài Rạp.
Tuy nhiên, hiện các cảng này mới chỉ tiếp nhận được tàu có trọng tải 30.000 tấn và đều nằm sâu trong TP, dẫn đến cước phí vận chuyển cao. Đó là chưa nói đến phương tiện bốc dỡ và hệ thống kho hàng lạc hậu; hệ thống cảng chưa đủ tầm cho tàu có trọng tải lớn. Đặc biệt, các dịch vụ liên quan cảng và vận tải biển còn thiếu hoặc chưa đồng bộ khiến hàng hóa xuất khẩu đi thị trường Tây Âu và Bắc Mỹ phải trung chuyển qua các cảng Singapore và Malaysia, làm tăng chi phí vận tải lên 20%.
Để giải quyết bài toán trên, theo các chuyên gia, nếu làm đúng quy hoạch được duyệt như di dời các cảng khu vực sông Sài Gòn, sông Đồng Nai đúng tiến độ, đầu tư xây dựng cảng mới ở Hiệp Phước… thì sẽ không xảy ra tình trạng ùn ứ ở các cảng do gánh nặng hàng hóa được chia bớt cho những cảng mới, đường bộ cũng sẽ nhẹ gánh hơn. Nhiều chuyên gia cho rằng ngoài việc xây dựng cảng biển, bến tàu đủ lớn, hệ thống kết nối cũng phải được thực hiện đồng bộ, nếu không sẽ khó phát huy tác dụng, gây lãng phí.
TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, cho rằng dù TP HCM có hệ thống sông ngòi dày đặc nhưng hiện vẫn khó phát huy vì hệ thống đường thủy của TP chưa gắn kết với đường bộ, đường sắt và hệ thống cảng. Cầu ở khu vực TP đều có tĩnh không thấp, các tàu lớn không thể ra vào, hệ thống kênh rạch không được nạo vét thường xuyên nên độ sâu thấp. Đó là lý do khiến hầu hết hàng hóa được vận chuyển chủ yếu bằng đường bộ.
“Tầm nhìn chiến lược của chúng ta không chú ý đến tầm quan trọng của đường thủy, chỉ chú ý đến đường bộ và đường sắt nên trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng đã để lại một số bất cập” - TS Phạm Sanh nhấn mạnh.
Theo TS Phạm Sanh, để giao thông thủy TP phát triển, Bộ GTVT cần có lộ trình xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp, nhất là các tuyến thủy lớn nối kết TP HCM với khu vực ĐBSCL.
Xây dựng, sửa chữa nhiều cảng, bến
Theo quy hoạch mạng lưới đường thủy và cảng bến khu vực TP HCM đến năm 2020 của Sở GTVT TP, nhiều cảng, bến sẽ được xây dựng mới và sửa chữa. Cụ thể: Xây dựng mới cảng đầu mối Phú Định (quận 8), cảng Long Bình (Thủ Đức), cảng Nhơn Đức; bến thuộc trung tâm thủy sản TP HCM, bến cặp tàu và bờ kè khu thương mại Bình Điền. Chỉnh trang và sắp xếp hoạt động khu cảng phường Trường Thọ (Thủ Đức), cải tạo và sắp xếp lại khu bến tàu khách Bạch Đằng…
Theo báo Người lao động.