"Vinalines phải thấy được trách nhiệm của mình. Lãnh đạo Vinalines cứ sợ trách nhiệm thì sẽ chẳng làm gì được", Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ rõ trong buổi họp tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải sáng 13/8.
|
Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì buổi làm việc |
Thêm nhiều cảng biển sắp hoàn tất CPH
Báo cáo Bộ trưởng, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải VN Lê Anh Sơn cho biết đến nay, đã có 6 DN chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần (CTCP) gồm cảng Khuyến Lương, Quy Nhơn, Hải Phòng, Nha Trang, Đà Nẵng và Công ty TNHH một thành viên Vinalines Nha Trang. Cùng đó, cảng Quảng Ninh – một trong 2 cảng biển lớn nhất khu vực phía bắc, cũng đang trong quá trình hoàn tất thủ tục để chuyển sang hoạt động theo mô hình này.
Cũng theo ông Sơn, 5 cảng biển khác gồm Sài Gòn, Cam Ranh, Năm Căn, Nghệ Tĩnh và cảng Cần Thơ cũng đã hoàn thành hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp, đang chờ thẩm tra. “Ngoại trừ cảng Sài Gòn vướng mắc do đang di dời nhưng sẽ bán đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO) trước quý 2/2015, các cảng còn lại chắc chắn sẽ IPO trong năm 2014” – ông Sơn khẳng định.
|
Cảng Cần Thơ sẽ hoàn tất cổ phần hoá trong năm 2014 |
Đối với việc CPH công ty mẹ, ông Sơn cho biết tiến độ xác định giá trị doanh nghiệp vẫn được đảm bảo. “Chậm nhất ngày 15/9, Tổng công ty sẽ trình Bộ GTVT phê duyệt Hồ sơ xác định giá trị DN đồng thời công bố giá trị DN vào ngày 24/10. Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược cũng như danh sách đề xuất sẽ được công bố trong tháng 11. Nếu không có gì thay đổi, chậm nhất ngày 08/12, Tổng công ty sẽ trình phương án cổ phần hóa. Sau khi được phê duyệt phương án, Vinalines sẽ tiến hành các thủ tục để có thể tiến hành IPO sớm nhất có thể” – ông Sơn nói.
Ngân hàng: Muốn chuyển nợ thành vốn góp phải kèm điều kiện
Liên quan đến việc tái cơ cấu nợ, ông Sơn cho biết hiện vẫn chưa có cơ chế cho Công ty mua bán nợ VN (DATC) mua nợ của Tổng công ty tại các ngân hàng. Ngoài ra, dù một số ngân hàng chấp nhận chuyển nợ thành vốn góp vào các cảng biển, các khoản đầu tư mà Tổng công ty đang thoái vốn hoặc vào Công ty mẹ khi Tổng công ty IPO song đến nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có cơ chế chấp thuận cho các ngân hàng thực hiện giải pháp trên.
“Chủ trương của chính phủ là đẩy mạnh CPH, nhưng việc tỷ lệ nắm giữ vốn nhà nước tại các cảng biển vẫn duy trì ở mức 75% sẽ cản trở việc thực hiện mục tiêu đổi mới quản trị cũng như tạo nguồn cho Tổng công ty cơ cấu nợ. Một số ngân hàng đồng ý chuyển nợ thành vốn góp tại các cảng nhưng với điều kiện nhà nước giảm tỷ lệ nắm giữ xuống còn 51% hoặc dưới 51%” – ông Sơn cho biết.
Liên quan đến việc thoái vốn, ông Sơn cho biết Vinalines đã rất nỗ lực để có thể thoái vốn tại 20 doanh nghiệp (DN) tuy nhiên chỉ thực hiện thành công tại 14 doanh nghiệp, rút gọn đầu mối. “Có một số doanh nghiệp đã tổ chức đấu giá chào bán công khai lần 2 nhưng không có nhà đầu tư tham gia” – ông Sơn nói.
Khắc phục tình trạng này, ông Sơn mong muốn cơ quan chức năng sớm giao DATC tham gia mua nợ của Tổng công ty tại các tổ chức tín dụng có nhu cầu bán nợ trong thời gian tới. Vinalines được nhận nợ lại từ DATC bằng giá trị DATC đã mua của các tổ chức tín dụng cộng thêm phí quản lý của DATC. “Nguồn trả nợ cho DATC đề nghị Chính phủ cho phép Tổng công ty được giữ lại tiền IPO các cảng biển và công ty mẹ và cho phép DATC được hoán đổi nợ thành vốn góp vào công ty mẹ khi thực hiện IPO” – ông Sơn kiến nghị.
|
Vinalines mong muốn cơ quan chức năng sớm giao DATC tham gia mua nợ của Tổng công ty tại các tổ chức tín dụng có nhu cầu bán nợ trong thời gian tới |
Đề xuất này của Vinalines nhận được sự đồng thuận của đại diện Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính). Vị này chỉ lưu ý rằng Vinalines và DATC phải thống nhất với nhau về nguồn lực và trình tự để DATC mua lại khoản nợ này cũng như khoản phí bởi DATC cũng là một DN và cũng có nhiệm vụ phải bảo toàn và phát triển vốn.
Về “rào cản đầu tư ngoài ngành” với các tổ chức tín dụng nếu chấp thuận việc chuyển nợ thành vốn góp của Vinalines, Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch Đầu tư) Hồ Sỹ Hùng cho biết quan điểm của Bộ Kế hoạch Đầu tư là trong tình huống này, các ngân hàng hoàn toàn có thể làm được chuyển nợ thành vốn góp tuy nhiên, sẽ phải nghiên cứu thoái vốn trong thời điểm thích hợp. Đồng quan điểm, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng cho rằng ngân hàng không chủ động đi góp vốn đầu tư ngoài ngành, chỉ là tình thế thôi.
Ủng hộ đề của Vinalines được tiếp tục thoái vốn tại các cảng Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ Tĩnh, Đà Nẵng, Cam Ranh… xuống tỷ lệ nắm giữ còn 51% để tạo thêm nguồn phục vụ cơ cấu nợ, ông Hùng cũng nhấn mạnh: Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải không những chỉ đồng ý thoái vốn dưới 51% với các cảng mà thậm chí còn đồng ý thoái vốn tới 0%.
"Ai sợ trách nhiệm phải thay thế"
Khẳng định nỗ lực của Vinalines trong việc tái cơ cấu, CPH thời gian qua là rất đáng hoan nghênh, Vinalines đã làm được rất nhiều việc, đảm bảo tốt tiến độ CPH đặt ra, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị bộ ngành, các tổ chức tín dụng tiếp tục chia sẻ với Vinalines để vượt qua thời điểm khó khăn này.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Vinalines cũng phải thấy được trách nhiệm của mình. “Lúc thuận lợi thì ngân hàng cho vay, khi khó khăn thì phải phối hợp chặt chẽ với ngân hàng để cùng tháo gỡ. Khoanh nợ, giãn nợ không phải để rồi xoá nợ. Là DNNN, Vinalines phải có quyết tâm chính trị cao, cố gắng tối đa trong việc trả nợ cho ngân hàng” – Bộ trưởng nêu rõ.
Để tái cơ cấu thành công, Bộ trưởng nhấn mạnh sẽ còn phải thực hiện rất nhiều giải pháp đồng bộ. Tuy nhiên, trước hết lãnh đạo Vinalines phải có quyết tâm chính trị, phải có bản lĩnh chính trị. “Cứ sợ trách nhiệm thì sẽ chẳng làm gì được. Tôi đã nói rồi, ai sợ trách nhiệm phải thay thế. Cứ giữ khư khư ghế mà không làm gì là không được” – Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng giao Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường làm việc với Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước về các vấn đề có liên quan, chỉ đạo Vinalines cập nhật lại các số liệu, cần thiết, phải có báo cáo điều chỉnh Đề án tái cơ cấu Vinalines, trình Chính phủ trong tháng 8.
“Quan điểm của tôi những gì thuộc về trách nhiệm của các bộ ngành thì phải ngồi với nhau xử lý, dứt khoát không đẩy trách nhiệm lên Chính phủ. Đừng để Thủ tướng, Phó Thủ tướng mất quá nhiều thời gian với các DN của Bộ GTVT, mất quá nhiều thời gian với Vinalines và Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ SBIC (trước là Vinashin). Bất đắc dĩ lắm, không thể giải quyết nổi mới báo cáo lên” – Bộ trưởng nói.
Theo Giao thông vận tải.
|