Thuế nhập khẩu, thuế VAT… là rào cản lớn đối với nhiều chủ tàu VN có tàu treo cờ nước ngoài đang mong muốn được quay về treo cờ VN để có thể được khai thác trên thị trường nội địa.
Nhiều tàu “nội” đang treo cờ “ngoại”
Trưởng phòng Vận tải và dịch vụ hàng hải - Cục Hàng hải VN Trịnh Thế Cường cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có khoảng 75 tàu với tổng trọng tải 1,3 triệu DWT, dung tích 830.000 GT thuộc sở hữu doanh nghiệp Việt Nam nhưng lại treo cờ nước ngoài.
"Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể nhập khẩu tàu, chúng tôi sẽ báo cáo Bộ các vấn đề có liên quan theo đề xuất của DN. Mục tiêu là gỡ khó cho doanh nghiệp song vẫn phải đảm bảo sự công bằng, bình đẳng, đúng pháp luật”.
Ông Nguyễn Nhật Cục trưởng Cục Hàng hải VN |
Cũng theo ông Cường, lý do tình trạng tàu “nội” không chịu treo cờ “nội” là do việc đầu tư tàu dưới 15 tuổi hoặc đóng mới tàu có giá cao hơn rất nhiều so với việc mua tàu trên 15 tuổi ở nước ngoài, nhất là đối với các tàu chuyên dụng như: Tàu container, tàu chở khí hóa lỏng... Trên thực tế, có tới 22% tàu VN treo cờ nước ngoài là tàu container (tỉ lệ 22%) và 69% là tàu chở khí hóa lỏng. “Khi mua tàu treo cờ quốc tịch nước ngoài, doanh nghiệp tránh được một khoản thuế, phí rất lớn so với khi làm thủ đăng ký tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam (thuế nhập khẩu, thuế GTGT”…) - ông Cường phân tích.
Một lý do khác, theo ông Cường là do doanh nghiệp đầu tư tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài chạy chuyên tuyến quốc tế sẽ thuận lợi hơn mang cờ quốc tịch Việt Nam, nhất là trong việc kiểm tra Nhà nước cảng biển (PSC) khi tàu hoạt động tại các cảng biển nước ngoài (do đội tàu biển Việt Nam vẫn đang nằm trong “danh sách đen” nên thường xuyên được “ưu tiên” kiểm tra PSC tại các cảng biển nước ngoài).
Quay về “tắm ao ta” không dễ
Sẽ không có gì đáng nói nếu không có chuyện không ít tàu trong số này đang muốn quay về vận chuyển hàng nội địa. Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Nhật, việc cấp Giấy phép đối với các tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài vận chuyển nội địa sẽ được siết chặt dần. Đặc biệt, Bộ Luật Hàng hải VN cũng đang được sửa đổi theo hướng tàu treo cờ nước ngoài tuyệt đối không được vào vận tải nội địa (dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua trong năm 2016). Điều này cũng có nghĩa là các DN Việt Nam có tàu treo cờ nước ngoài nếu muốn vận tải nội địa sẽ phải đăng ký treo cờ VN.
“Làm như vậy mới tạo cơ hội cho tàu Việt Nam phát triển và hạn chế việc doanh nghiệp đầu tư tàu cũ với giá thành thấp, treo cờ nước ngoài để tránh thuế sau đó đưa tàu về khai thác nội địa cạnh tranh với tàu nội” - ông Nhật lý giải.
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Giám đốc Công ty vận tải biển container Vinalines cho biết, nếu muốn đổi sang cờ quốc tịch VN cho tàu Vinalines Diamond, ước tính công ty ông sẽ phải chi khoảng 61 tỷ đồng (tiền thuế VAT và phí trước bạ). Chi phí này tương đối lớn với các DN vận tải biển, khi lãi vay cao, hàng hóa ít, sản lượng thấp. Tha thiết được tạo điều kiện để có thể nhập khẩu tàu và treo cờ quốc tịch VN, ông Hiếu đề nghị cơ quan chức năng tạo điều kiện cho phép được tính thuế theo giá trị hiện tại của tàu chứ không phải theo giá tại thời điểm mua. “Giá hiện tại của tàu chỉ còn khoảng 25% lúc mua” - ông Hiếu cho biết.
Tương tự, đại diện CTCP Hàng hải Đông Đô cho biết: “DN này có 4 tàu treo cờ nước ngoài. Thời điểm mua, các tàu này đều đủ điều kiện nhập khẩu (tuổi tàu dưới 15) nhưng giờ thì không. Nếu có cho phép nhập khẩu mà tính thuế căn cứ vào giá trị ở thời điểm mua tàu, chúng tôi cũng chả đủ khả năng. Giá mua là 15 triệu USD nhưng giá hiện tại chỉ có 2,5 triệu USD. Chỉ đóng thuế không thôi đã mất hơn nửa giá trị hiện tại của con tàu”. Đại diện công ty này cũng đề nghị được tính thuế theo giá hiện tại và mời một cơ quan của Bộ Tài chính để thẩm định giá.
Cho rằng không ít chủ tàu VN vẫn tàu treo cờ nước ngoài để tránh nộp thuế VAT, thuế nhập khẩu, Cục trưởng Nguyễn Nhật khẳng định, không khuyến khích điều này. Hơn nữa, ông Nhật cho rằng nếu để tàu treo cờ nước ngoài về cạnh tranh với tàu trong nước là không bình đẳng do những chủ tàu tránh được thuế nên có lợi thế hơn do chi phí đầu tư ít hơn.
Theo Giao Thông Vận Tải.