Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, trong đó có nhiều nội dung tập trung xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế tại Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT). Đây là một trong những yếu tố thuận lợi để Tỉnh tập trung phát triển và nâng cao hiệu quả các cảng biển trong thời gian tới.
Cầu Rạch Mương - một trong 5 chiếc cầu trên đường liên cảng đang
triển khai thi công. Tuy nhiên, con đường này đang gặp khó khăn về vốn
Theo Quy hoạch của Chính phủ, thời gian tới sẽ tập trung xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế tại BR-VT, Hải Phòng và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (khi có điều kiện) tiếp nhận được tàu trọng tải đến 100.000 tấn (tàu container 8.000 TEU) hoặc lớn hơn, đủ năng lực kết hợp vai trò trung chuyển container quốc tế; các cảng chuyên dùng quy mô lớn cho các liên hợp luyện kim, lọc hóa dầu, trung tâm nhiệt điện sử dụng than.
Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh BR-VT đã chủ động chuẩn bị, triển khai các giải pháp phát huy tiềm năng của một đô thị cảng biển trong tương lai. Cụ thể, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động cảng biển, Sở GTVT BR-VT đã hoàn thành Quy hoạch tổng thể phát triển ngành logistics tỉnh BR-VT giai đoạn 2013-2020, định hướng 2030 và phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn thành Đề án phát triển hoạt động cụm cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép - Thị Vải giai đoạn 2013-2020. Bên cạnh đó, Sở GTVT cũng đã hoàn thiện kế hoạch triển khai thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác cảng biển nhóm 5 và các bến cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các cảng, dự kiến trong quý III-2014, UBND Tỉnh sẽ tổ chức chương trình làm việc với các DN xuất nhập khẩu, DN vận tải và chủ cảng, hãng tàu nhằm giải quyết triệt để những nguyên nhân còn tồn tại ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, tâm lý chung của chủ hàng và tạo nguồn hàng. Đồng thời, UBND Tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp hoàn thành chương trình xúc tiến đầu tư tổng thể phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2015-2020. “Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2016, lượng hàng qua hệ thống cảng biển của tỉnh đạt khoảng 56 triệu tấn, tăng khoảng 10% so với năm 2013, trong đó tập trung vào hàng container và hàng khô” - ông Vũ Ngọc Thảo, Giám đốc Sở GTVT cho biết.
Nhằm tạo sức hút cho hệ thống cảng, Sở GT-VT cũng đã kiến nghị UBND Tỉnh chỉ đạo Cục Hải quan Tỉnh chủ trì phối hợp với Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, Cục Thuế tỉnh, các sở, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan rà soát thủ tục kiểm tra, kiểm soát hàng hóa xuất, nhập và quá cảnh với cơ chế thuận lợi liên quan đến thủ tục hải quan, thuế như khu vực TP. Hồ Chí Minh. Để thu hút tàu vào hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải, UBND Tỉnh tiếp tục đề nghị Bộ GTVT kiến nghị Bộ Tài chính giảm phí, lệ phí hàng hải cho tất cả các tàu chuyên chở container cập cảng Cái Mép - Thị Vải không phân biệt dung tích, tải trọng; ưu đãi giảm phí cho các tàu mẹ chuyển tải - tàu feeder cập cảng Thị Vải - Cái Mép.
Tuyến đường liên cảng có vị trí cực kỳ quan trọng, chạy dọc theo hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải, hệ thống KCN và được kết nối với đường cao tốc liên vùng phía Nam tại Nhơn Trạch (Đồng Nai), khi hoàn thành sẽ rút ngắn đáng kể cự ly vận chuyển hàng hoá từ khu vực cảng về TP. Hồ Chí Minh và vùng Tây Nam bộ. Vì vậy, để sớm hoàn thiện tuyến đường này, UBND Tỉnh đã đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương bổ sung thêm vốn trái phiếu Chính phủ kế hoạch vốn giai đoạn 2014 - 2016 hơn 1.157 tỷ đồng để thực hiện giai đoạn 1 của dự án.
Mặt khác cần sớm triển khai các tuyến giao thông kết nối ngoại vùng để hỗ trợ hệ thống cảng biển Thị Vải - Cái Mép như: đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh. Song song với đường bộ, đường thủy nội địa cũng được tỉnh quan tâm phát triển. UBND tỉnh đã đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT sớm triển khai nạo vét tuyến luồng sông Đồng Tranh để hỗ trợ nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống cảng Thị Vải - Cái Mép.
Theo Bộ Giao Thông Vận Tải.