Ngày 7/8, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã có buổi làm việc với Lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam (HHVN) về việc xây dựng Đề án đổi mới toàn diện, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải. Cùng dự buổi làm việc có Thứ trưởng Nguyễn Văn Công, lãnh đạo các Vụ, Cục liên quan.
Thực hiện kết luận của Bộ trưởng Đinh La Thăng tại Thông báo số 724/TB-BGTVT ngày 18/7/2014 về việc xây dựng Đề án đổi mới toàn diện, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải, tại buổi làm việc, ông Nguyễn Nhật - Cục trưởng Cục HHVN đã báo cáo kế hoạch thực hiện Đề án. Theo đó, Cục HHVN đã hoàn thành việc xây dựng đề cương Đề án.
Mục tiêu của Đề án nhằm nghiên cứu đề xuất các giải pháp đổi mới toàn diện, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải nhằm tạo điều kiện, thúc đẩy sự phát triển của đội tàu, cảng biển, vận tải biển, dịch vụ hàng hải và công nghiệp tàu thủy; đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành hàng hải nói riêng và kinh tế, xã hội nói chung, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nội dung Đề án bao gồm sự cần thiết, mục tiêu, căn cứ nghiên cứu xây dựng cũng như thực trạng quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải tại Việt Nam, những ưu nhược điểm và tồn tại, bất cập trong công tác quản lý nhà nước chuyên ngành; phân tích, đánh giá, tìm ra nguyên nhân và đề xuất các giải pháp khắc phục, hoàn thiện nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải giai đoạn đến năm 2020.
Đánh giá báo cáo Đề án, ông Trần Văn Lâm - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cho biết: Cục HHVN mới chỉ đưa ra đề cương khái quát nội dung nghiên cứu, chưa có kết cấu Đề án và nội dung cụ thể. Để xây dựng được Đề án này, ông Trần Văn Lâm đề nghị Cục HHVN cần tập trung vào tên đề án là Đề án tái cơ cấu lĩnh vực hàng hải để thống nhất với Đề án tái cơ cấu ngành giao thông vận tải đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Về kết cấu Đề án nên bố trí thành 6 phần: Sự cần thiết của việc xây dựng Đề án; Mục tiêu và phạm vi của Đề án, (trong đó, mục tiêu của đề án phải tách bạch mục tiêu quản lý nhà nước và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tăng cường hoạt động thanh tra quản lý nhà nước của Cục HHVN; tạo môi trường cạnh tranh tốt cho các doanh nghiệp; cần thúc đẩy phát triển đội tàu của các doanh nghiệp đồng thời kết nối các phương thức vận tải); Căn cứ pháp lý để xây dựng Đề án này; Thực trạng công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực hàng hải (đánh giá toàn bộ nội dung quản lý nhà nước của Cục HHVN, từng nội dung phải nêu được nhiệm vụ hiện nay của Cục được thực hiện như thế nào; những tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện); Nội dung và các giải pháp đổi mới (phải cụ thể, những nội dung đổi mới phải gắn kết, khắc phục được những tồn tại của đánh giá thực trạng công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực hàng hải; các giải pháp đổi mới phải cụ thể để xử lý, khắc phục những tồn tại, bất cập đó bằng các văn bản và hoạt động cụ thể); Tổ chức thực hiện (phải nêu rõ tổ chức xây dựng Đề án và trình phê duyệt Đề án, phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị liên quan; lộ trình thực hiện cùng các giải pháp thực hiện…).
Cũng tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục HHVN Nguyễn Nhật đã có báo cáo triển khai thực hiện kết luận của Bộ trưởng Đinh La Thăng tại Hội nghị nâng cao hiệu quả vận tải thủy nội địa và kết nối các phương thức vận tải khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ngày 21/7/2014 tại Cần Thơ); Hội nghị thúc đẩy vận tải thủy nội địa vùng Đồng bằng sông Hồng (ngày 5/8/2014 tại Hà Nội) và Hội nghị đối thoại doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển năm 2014.
Sau khi nghe lãnh đạo các Vụ, Cục liên quan tập trung đánh giá nội dung Đề án đổi mới toàn diện, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu căn cứ chức năng nhiệm vụ, tình hình thực trạng tổ chức thực hiện việc quản lý nhà nước của Cục HHVN đối với lĩnh vực được phân công, từ đó, Cục HHVN cần thiết phải có sự đổi mới.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục thực hiện Đề án tái cơ cấu lĩnh vực hàng hải gắn với đổi mới công tác quản lý nhà nước nâng cao năng lực quản lý của Cục, trong đó phải gắn với các Cảng vụ Hàng hải. Đề án phải gắn với kế hoạch trong những năm tới, từ đó có kế hoạch đầu tư phát triển, nguồn vốn, trình tự ưu tiên dự án, đảm bảo hài hòa các phương thức, tái cơ cấu. Nội dung Đề án phải đề cập được vấn đề đổi mới, tái cơ cấu và phát triển các doanh nghiệp hàng hải; tập trung cổ phần hóa; gắn với hợp tác quốc tế, đảm bảo an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, an toàn trật tự giao thông; công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực,…
Bộ trưởng đề nghị, trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý của các thành viên dự họp, Cục Hàng hải Việt Nam cần tập trung hoàn thiện nội dung Đề án để trình Bộ GTVT phê duyệt trong tháng 9 tới đây.
Theo Bộ Giao thông vận tải.