Trong 5 năm (2008-2013) tăng trưởng 96%, đóng góp 6 tỷ USD vào GDP,... hàng không Việt Nam có tốc độ phát triển vượt trội. Tuy nhiên, hạn chế về cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ, vốn... lại là lực cản khiến ngành hàng không có lớn mà chưa mạnh.
Vẫn thua các nước khu vực
Công nhận thành quả này của Việt Nam, Tổng giám đốc Hiệp hội Hàng không quốc tế (IATA), ông Tony Tyler, nhận xét: “Việt Nam là thị trường hàng không năng động. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành sẽ mang lại lợi nhuận rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam”.
Số liệu từ IATA cho thấy, ngành hàng không đã đóng góp 1,7 triệu USD cho GDP cả nước năm 2013. Nguồn thu này đến từ hoạt động trực tiếp của các hãng hàng không, các sân bay và các nhà cung cấp dịch vụ không lưu. Trong số 4,6 triệu du khách quốc tế đến Việt Nam, gần 80% đi bằng đường hàng không, đóng góp tới 5 tỷ USD doanh thu cho ngành du lịch.
Ghi nhận lớn nhất là hiệu quả xã hội mà ngành hàng không mang lại khi tạo ra 31.000 việc làm, chưa kể 146.000 công việc khác trong ngành du lịch.
|
Ông Phạm Ngọc Minh, TGĐ Vietnam Airlines: Trong 5 năm, hãng luôn tăng trưởng 2 con số, thực hiện hơn 500 ngàn chuyến bay an toàn. VNA đang nắm giữ khoảng 40% thị phần khách quốc tế, hơn 50% thị phần nội địa. |
Tuy có tốc độ phát triển nhanh nhưng ngay trong khu vực, Việt Nam bị các nước bỏ xa. Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, ông Lại Xuân Thanh, thừa nhận, đúng là vận tải hàng không Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ ba khu vực châu Á - Thái Bình Dương, song, tổng lượng khách qua các cảng hàng không chỉ đứng thứ 6 trong ASEAN. Ông dẫn chứng, nếu năm 2012, Singapore có 51 triệu hành khách thì năm nay, Việt Nam mới dự định đón gần 50 triệu lượt.
Trong lĩnh vực du lịch, các nước trong khu vực đều đón lượng khách ở hai con số, như Singapore đón 16 triệu lượt khách quốc tế, Malaysia 24 triệu, Thái Lan 25,6 triệu, Hongkong 54 triệu... thì Việt Nam mới chỉ là 7,5 triệu lượt.
Điểm yếu về cơ sở hạ tầng
Theo ông Thanh, những hạn chế về cơ sở hạ tầng sân bay, vốn, thủ tục, visa... đang là những “hòn đá” cản trở phát triển.
Đầu tiên là về cơ sở hạ tầng. Xếp ở vị trí 82 thế giới và đứng thứ 6/10 quốc gia ASEAN về chỉ số cơ sở hạ tầng (theo Báo cáo về năng lực cạnh tranh toàn cầu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới), chứng tỏ Việt Nam còn thua xa các nước.
|
Cơ sở hạ tầng đang là rào cản trong phát triển hàng không
|
Trong khi cơ sở hạ tầng là điều kiện quan tâm hàng đầu của các hãng hàng không, thì các sân bay ở Việt Nam lại đang quá tải. Ông Joe Mannix, Giám đốc khu vực của United Airlines, dẫn chứng, hãng Singapore Airlines từ lâu nay muốn mở thêm quầy làm thủ tục ở sân bay Tân Sơn Nhất mà chưa được. Vào Việt Nam đã 10 năm, vị đại diện đến từ United Airlines thấy sân bay này hầu như không được cải tiến.
Trong chiến lược phát triển, Việt Nam dự định sẽ xây 26 sân bay vào năm 2020 và hiện đang nỗ lực cải tạo hai sân bay trọng điểm là Nội Bài, Tân Sơn Nhất, cùng với sân bay quốc tế mới Long Thành được kỳ vọng sẽ hoạt động vào năm 2020.
Để thu hút nguồn vốn đầu tư vào sân bay, Việt Nam đang có kế hoạch tư nhân hóa các cảng và cổ phần hóa Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Tony Tyler cảnh báo, việc tư nhân hóa sân bay nếu không cẩn thận rất có thể mang lại hệ quả tiêu cực, không mong muốn. Ông lấy ví dụ, để tận thu sau khi nâng cấp, New Delhi - Ấn Độ đã tăng mức phí lên gấp 3 và trở thành sân bay đắt đỏ nhất thế giới. Tại Mỹ latinh, phí tăng nhưng không đầu tư trở lại dẫn tới cơ sở hạ tầng vẫn quá tải, lạc hậu... “Tốt nhất, Việt Nam nên thành lập một tổ chức quản lý phí sân bay độc lập”, ông Tony Tyler đề xuất.
Về phía các hãng hàng không, ông Dương Trí Thành, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho hay, chi phí cho hàng không rất cao nên giá vé không thể rẻ được, nếu rẻ quá thì khó mà phát triển bền vững. Ông dẫn con số từ IATA minh chứng, hàng không chỉ lãi 1,9 USD/đầu người (tương đương khoảng 40.000 đồng), và gần đây mới có lãi chứ các năm trước toàn lỗ.
Cách đây đúng 100 năm, ngày 1/1/1914, chuyến bay thương mại đầu tiên được thực hiện với 1 chiếc máy bay, 1 hành khách trên 1 đường bay. Hội thảo Aviation Day (Ngày hàng không) được tổ chức tại Việt Nam ngày 27/8 đúng vào dịp kỷ niệm 1 thế kỷ hàng không thương mại thế giới. Đến nay, ngành hàng không đã vận chuyển được 3,3 tỷ hành khách và 52 triệu tấn hàng hóa an toàn, cung cấp việc làm cho 58 triệu người trên thế giới, giá trị hàng hóa vận chuyển là 6,8 tỷ USD, bằng 1/3 tổng giá trị hàng hóa được vận chuyển trên toàn thế giới. |
Theo Vietnamnet.
|