Có khoảng 10 loại cước và phụ phí do các chủ tàu áp dụng, tăng từ 20 - 30% so với năm 2013. Việc gia tăng này không có lộ trình và không có sự thỏa thuận nào giữa chủ hàng và chủ tàu.
Đại diện nhiều hiệp hội và doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu đang rất bức xúc với việc bị thu quá nhiều loại phụ phí như hiện nay. Cụ thể, có khoảng 10 loại cước và phụ phí, tăng từ 20 - 30% so với năm 2013. Theo Hiệp hội Da - Giày Việt Nam, các DN xuất nhập khẩu giày đang phải chi số tiền gần bằng 1% tổng kim ngạch xuất khẩu mỗi năm của ngành (tương đương từ 110 - 150 triệu USD/năm).
Song, điều khiến DN đau đầu nhất là phí thu không đồng nhất, mỗi hãng tàu mỗi mức khác nhau. Chẳng hạn, với phí vệ sinh, có hãng thu 90.000 đồng/container, có hãng thu 150.000 đồng/container; phí chuyền dữ liệu, nơi thì thu 7 - 8 USD, nơi thu 25 USD.
Hai năm gần đây các hãng tàu có xu hướng bổ sung thêm nhiều loại phí khác như: phí cược sial (niêm phong chì) 150.000 đồng, phí cược container 3 triệu đồng.
Theo lý giải của các chủ tàu, sở dĩ phải thu những loại phí trên là theo yêu cầu của công ty mẹ ở nước ngoài, nhằm bù đắp những chi phí khi bị ùn tắc hàng tại cảng, và khẳng định việc thu phí này phù hợp với thông lệ quốc tế...
Tuy nhiên, những giải thích này không thuyết phục và không thỏa đáng đối với cơ quan quản lý cũng như các DN. Cục Hàng hải nhìn nhận, việc chủ tàu ồ ạt thu các loại phí đã xuất hiện từ 4 năm nay, nhưng hiện Việt Nam vẫn chưa có cơ chế kiểm tra giám sát, quản lý của cơ quan chức năng đối với vấn đề này.
Để mang lại công bằng cho chủ hàng và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, Cục Hàng hải kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải rà soát cụ thể việc thu các loại phụ phí, so sánh với quy định của pháp luật Việt Nam, thông lệ quốc tế.
Trước phản ứng của các bên liên quan, ông Nguyễn Hải Nam, đại diện Cục Hàng hải TP.HCM cho biết, đến nay mới chỉ có 6/10 hãng tàu có thông báo ngưng thu phí tắc nghẽn cầu cảng, còn 4 hãng tàu vẫn chưa có phản hồi.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đề nghị, khoản phí PCS (phí kẹt cảng) các hãng đã thu của DN từ ngày 5/8 đến nay phải trả lại cho DN.
Hầu hết ý kiến đều nhất trí cho rằng, các khoản phụ phí mà các chủ tàu đưa ra hầu hết rất bất hợp lý, không có lộ trình, thậm chí tăng đột biến một cách phi lý và ép buộc.
Thực chất việc thu các loại cước, phụ phí mà các hãng tàu thu tại Việt Nam là để bù lại giá cước vận tải mà họ giảm giá để giành hợp đồng vận tải bên ngoài Việt Nam. Do đó, để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, các hiệp hội đề nghị các hãng tàu có sự hợp tác, thống nhất tăng giá cước, phụ phí với chủ hàng. Đồng thời, cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ, cơ chế kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước.
Theo Doanh nhân Sài gòn.