|
Hiện dệt may, da giày và thủy sản là 3 ngành chiếm lượng container hơn 40%/tổng lượng container xuất nhập khẩu của cả nước và cũng là những ngành phải chịu nhiều phụ phí áp đặt từ các hãng tàu biển.
Theo Hiệp hội Da giày Việt Nam, hàng giày dép xuất khẩu đang bị các hãng tàu biển “đóng dấu” trên dưới 10 loại phí và phụ phí khác nhau như: Phí dịch vụ container (THC), phí mất cân đối container (CIC, CIS), phí tắc nghẽn cảng (PSC), phí vệ sinh container, phí sửa chữa vỏ container, phí thủ tục, phí lưu kho bãi… Tính chung mỗi năm, các DN xuất khẩu da giày phải trả lên đến 110 triệu USD cho các loại phí và phụ phí, tương đương 2.300 tỷ đồng. Các hãng tàu thậm chí còn thu cả phí dịch vụ giao nhận (phí bill). Trong khi phí giao nhận là phí hành chính, nhưng liên tục tăng cao, tùy theo mỗi hãng tàu, có hãng thu 500 ngàn đồng/bộ, có hãng thu 2 triệu đồng/bộ.
Tương tự, hầu hết các DN xuất nhập khẩu dệt may đều bất bình với phí mất cân đối container (CIC, CIS). Loại phí này chỉ phát sinh khi có sự mất cân đối vỏ container giữa 2 đầu bến nhưng các hãng tàu đã và đang thu đều đặn từ năm 2010 đến nay, nhiều khi việc mất cân đối không xảy ra. Đối với hàng nhập về Việt Nam, nếu phát sinh phí thì chủ hàng xuất phải chịu. Không hiểu sao chủ tàu vẫn thu từ chủ hàng Việt Nam khoảng 50 - 100 USD/container (tùy trọng lượng)...
Ông Trịnh Thế Cường- Trưởng Phòng vận tải (Cục Hàng hải Việt Nam)- cho biết, cơ quan quản lý không điều chỉnh giá cước vận chuyển cũng như những phụ phí vì đây là quan hệ đồng thuận giữa hai bên, chỉ có thể bắt buộc các hãng tàu thông báo trước khi tăng các khoản phụ phí để DN có sự chuẩn bị hoặc bỏ những phí không hợp lý.
Cục Hàng hải kiến nghị Bộ Giao thông vận tải giao cho Cục Hàng hải phối hợp với Cục Quản lý cạnh tranh, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các hiệp hội ngành hàng rà soát cụ thể việc thu các loại phụ phí, so sánh với quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế, báo cáo Bộ Giao thông vận tải để yêu cầu chủ tàu ngừng thu ngay một số loại phụ phí không hợp lý.
Theo báo Công thương.
|