Câu chuyện về các loại phụ phí vô lý thường xảy ra nhưng có lẽ đỉnh điểm nhất vẫn là việc lạm thu tại cảng Cát Lái trong thời gian qua. Cụ thể, DN Thành Hào chuyên nhập khẩu, kinh doanh sản phẩm hạt nhựa để lấy ra 73 container ùn tứ tại Cảng Cát Lái (chỉ tính riêng tháng 7-2014), đã phải trả phụ phí cho chủ tàu tới cả trăm triệu đồng. Hay như Hiệp hội Da giày Việt Nam, mỗi năm chi phí trả cho các loại "phụ phí hàng hải” đã lên tới 110 triệu USD.
Có thể "điểm danh” các loại phí vô lý mà DN đã và đang phải gánh chịu như: Phí kẹt cảng, phí nâng hạ container, phí dịch vụ container, phí mất cân đối container, phí vệ sinh container, phí sửa chữa vỏ container, phí thủ tục, phí lưu kho bãi… Đây là những loại phụ phí sẽ được các chủ tàu thu, nếu xảy ra ùn tắc hàng hóa tại cảng.
Theo ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải, chủ hàng luôn rơi vào thế bị động, nhất là trong các hợp động ký kết với nước ngoài, đối tác luôn đẩy những yếu tố "rủi ro” về phía chủ hàng Việt. Hiện nay, trong hợp đồng luôn có điều khoản "chủ hàng phải chịu các chi phí khác, ngoài phí vận chuyển”. Đây chính là "điểm nút” để xảy ra tiêu cực. Và nếu hàng không "thông ngay” chắc chắn các chủ tàu sẽ lợi dụng để rút tiền từ các DN.
"Ở các nước, DN luôn có một đội ngũ Hiệp hội chủ hàng chuyên thực hiện đàm phán. Hiệp hội này có thể thuê luật sư giỏi trong đàm phán, ký kết các hợp đồng lớn. Còn tại Việt Nam, VCCI cũng có Hiệp hội chủ hàng như vậy, nhưng hoạt động không mấy hiệu quả, bởi bên cạnh đó đang có tới 7 Hiệp hội ngành hàng cũng thực hiện chức năng tương đương. Chính vì thế, đây là lỗ hổng trong đàm phán hợp đồng ký kết, khiến các doanh nghiệp luôn ở thế dưới”, ông Nhật lưu ý.
Và tất nhiên, cùng với những câu "cài” trong hợp đồng, các DN Việt phải chấp nhận những khoản phí mà không dám làm trái, vì sợ vi phạm hợp đồng, dẫn tới phạt hợp đồng, và hệ lụy về kinh tế càng bị động chạm lớn hơn.
Có lẽ, đó cũng là lý do Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã yêu cầu Cục Hàng hải nghiên cứu các biện pháp để giải quyết các phí bất cập đang nở rộ trong thời quan. Cụ thể, Cục Hải hải Việt Nam sẽ xóa bỏ phí "nâng hạ container”; cùng với đó, yêu cầu các chủ tàu bỏ "phí kẹt cảng”.
"Cục Hàng hải đã họp với 40 hãng tàu, đến đến nay đã có 36 hãng tàu đồng ý dừng thu phí kẹt cảng. Hiện còn 4 hãng tàu đang báo cáo về nước ngoài và sẽ dừng thu phí trong thời gian tới”, ông Nhật cho biết.
Hiện tai, Cục Hàng hải đã đề nghị Bộ Tài chính làm việc với Hải quan vể việc giản tiện việc kiểm tra hàng hóa. Bên cạnh đó, Cục Hàng hải cũng đã có đề án nghiên cứu "giá sàn” cho việc xếp dỡ container tại các cảng. Việc áp dụng giá sàn là có cở sở bởi hiện có nhiều khu vực có liên tiếp nhiều cảng, và để cạnh tranh đón tàu, các cảng thi nhau hạ giá khiến bất bình ổn thị trường. Trong khi đó, các chủ tàu lại hưởng lợi lớn, vì hợp đồng đã ký không thay đổi. Giá sàn cũng sẽ giúp bình ổn thị trường giá cảng biển và tăng sức cạnh tranh cho các chủ hàng Việt Nam, tránh những phụ phí vô lý.
Giảm bớt các phí cảng biển, các DN giảm bớt thiệt hại kinh tế, phiền hà, sẽ tạo ra sự phát triển và cạnh tranh lành mạnh.
Theo Đại đoàn kết.