Hiện các hãng hàng không VN đang tiến hành bay thử nghiệm trong buồng lái giả định để có cơ sở phân tích, tính toán hiệu quả thực tế từ đường bay vàng. Nhưng theo nhiều chuyên gia, việc thực hiện "đường bay vàng" không chỉ giải quyết bài toán kinh tế mà còn nhiều lợi ích khác.
Đường bay vàng: Hàng không Việt tốn 120 triệu/ngày bay thử nghiệm?
Tối 1/9, hãng hàng không VietJet Air sẽ thực hiện bay thử nghiệm đường bay vàng tại buồng lái giả định ở Thái Lan.
Việc làm này nằm trong kế hoạch của Cục hàng không, đó là từ 29/8 đến 3/9, Vietnam Airlines và VietJet bắt đầu bay thử nghiệm đường bay vàng trong hệ thống buồng lái giả định (SIM).
Đường bay thẳng Nội Bài – Tân Sơn Nhất qua không phận Lào và Campuchia đang được coi là đường bay vàng và Cục Hàng không đã nhận "lệnh" chỉ đạo của Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng nghiên cứu, bay thử nghiệm nhằm rút ngắn đường bay Hà Nội - TP HCM hiện nay.
Sau khi triển khai việc bay thử nghiệm, VietJet Air và Vietnam Airlines báo cáo kết quả bay SIM, tiến hành phân tích và đánh giá về chi phí, lợi ích của đường bay thẳng trước ngày 4/9/2014. Đồng thời so sánh với đường bay hiện đang sử dụng để đánh giá những ưu điểm mà đường bay này mang lại cho các hãng hàng không và khách hàng. Sau kết quả thử nghiệm, hai hãng có thể sẽ tiếp tục bay thực tế bằng các chuyến bay thương mại.
Theo thông tin xác nhận với báo giới của VietJet Air, hãng này sẽ bay thử nghiệm bằng máy bay A320 trong tối 1/9. Tuy nhiên, hãng này phải sang Trung tâm huấn luyện bay của Thái Lan thuê SIM bay thử nghiệm. Thái Lan là nơi cung cấp dịch vụ bay huấn luyện cho nhiều hãng hàng không trong khu vực, trong đó có VietJet.
Buồng bay giả định của Boeing 777. Ảnh minh họa: Internet.
Thử nghiệm bay là một dịch vụ bay được thực hiện trên mô hình buồng lái giả định (Simulator - SIM) mô phỏng buồng lái của một số dòng máy bay.
Với việc bay thử nghiệm, khách hàng có cơ hội để thực hiện một chuyến bay giả định như bay thật. Dịch vụ bay thử nghiệm này thường được sử dụng vào mục đích đào tạo phi công của các hãng hàng không.
Theo như trên các trang web cung cấp dịch vụ bay thử nghiệm này, khách hàng có thể trải nghiệm cảm giác ngồi trong buồng lái SIM bằng cách đặt vé trước trên các trang web của công ty. Sau đó, khách hàng chỉ việc đến nơi đăng ký bay thử nghiệm và làm theo các chỉ dẫn của giáo viên hướng dẫn bay để trải nghiệm chuyến bay. Các phi công chuyên nghiệp sẽ giúp khách hàng xử lý tất cả những tình huống khó khăn nhất trên bầu trời như yếu tố thời tiết xấu, trục trặc và các tình huống khác. Ngoài ra, khi đăng ký bay thử, hành khách có thể đặt mua luôn DVD ghi lại toàn bộ chuyến bay thử nghiệm của mình.
Dù các website của Thái Lan không tiết lộ mức chi phí cho dịch vụ này song theo tham khảo trên trang Flight City của Úc, nơi cũng có dịch vụ cho thuê bay, giá vé cho một lượt bay thử nghiệm trên SIM của chiếc Boeing 777 vào khoảng 275 USD (tương đương 5,8 triệu đồng). Giả sử mức giá này cũng được áp dụng tương đương ở thị trường Thái Lan thì chi phí một ngày bay thử của hàng không Việt Nam tại đây (cho 20 giờ bay) cũng lên đến 120 triệu đồng.
Đường bay vòng “đốt” 300 triệu USD mỗi năm
Việc mở đường bay Hà Nội - TP HCM sẽ giảm thời gian bay, tiết kiệm chi phí cho các hãng hàng không, giảm khối lượng khí thải, đồng thời giảm mật độ bay dân dụng trên trục Bắc - Nam trong vùng trời Việt Nam…
Nhiều hãng hàng không đang khấp khởi chờ đợi đường bay vàng.
Trả lời trên báo, TS Trần Đình Bá, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho biết, đường bay Hà Nội - TPHCM có tần suất cao nhất 100 chuyến ngày/đêm mà hiệu quả chỉ đạt 73,2% còn lãng phí tới 26,8%, thời gian bay lãng phí là 26 phút. Tính bình quân đường bay này đang gây lãng phí tới 25% chí phí sản xuất. Riêng đường bay Hà Nội - Cần Thơ lãng phí tới 28,1%, đường bay Hà Nội - Phú Quốc lãng phí tới 38%. Con số lãng phí hằng năm tính được trên 25.000 giờ bay, gần bằng với tuổi thọ sử dụng của một chiếc máy bay Airbus A330, thời giá hiện nay là 175 triệu USD.
Mỗi năm hàng không "đốt" gần một chiếc máy bay/strong> trị giá 150 triệu USD, kèm theo đó là "đốt" lãng phí trên 60.000 tấn nhiên liệu, phải trả 25.000 giờ bay cho phi công ngoại, chi phí cho phi công, tiếp viên, nhân viên bay... thì Cục Hàng không Việt Nam đã "đốt trên trời" 300 triệu USD mỗi năm của tất cả các hãng hàng không.
Với mạng đường bay vòng ở Việt Nam như hiện nay là trái với quy luật kinh tế hàng không, là nguyên nhân gây lỗ. Để các hãng hàng không có lãi thì phải tiết kiệm, giảm giá vé cho dân và thiết lập các đường bay thẳng.
Đề xuất "đường bay vàng" Hà Nội - TP HCM đã được TS Trần Đình Bá, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, đề xuất vào năm 2012. Tuy nhiên, thời điểm năm 2012, Cục Hàng không đã trả lời các tính toán của ông Trần Đình Bá là thiếu thông tin nên chưa có cơ sở khoa học. Cho đến thời gian gần đây, khi Bộ trưởng Đinh La Thăng chính thức lên tiếng về việc tái nghiên cứu thì đường bay vàng mới được bắt đầu thử lại, từ ngày 28/8.
Yếu tố cản trở lớn để triển khai đường bay vàng lúc này chính là phí quá cảnh qua không phận Lào, Campuchia. Với một chuyến bay Hà Nội - TP HCM, chi phí quá cảnh các hãng phải trả sẽ khoảng 850 USD/chuyến bay Boeing 777 và khoảng 650 USD/chuyến cho máy bay A320 (cho cả 2 nước Lào, Campuchia). Bộ GTVT đã đề xuất ngành hàng không nước bạn giảm 30% phí quá cảnh và (chờ phê duyệt). Riêng Vietnam Airlines đề xuất phải giảm phí quá cảnh 50% thì mới bảo đảm đường bay thẳng có lãi.
Theo Người đưa tin.