Chính phủ đồng ý về nguyên tắc cho phép Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) được dùng khoản thu từ IPO các đơn vị thành viên để tái cơ cấu nợ
Quyết định trên được đưa ra sau cuộc họp do Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì về tình hình sản xuất kinh doanh và triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu Tổng công ty ngày 3/9. Với chủ trương này, Vinalines nhiều khả năng sẽ có thêm hơn 2.000 tỷ đồng để tái cơ cấu nợ nếu quá trình bán tiếp cổ phần tại các cảng biển trong năm nay được suôn sẻ.
Đến nay đã có 6 doanh nghiệp thuộc tổng công ty chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần ( gồm Cảng Khuyến Lương, Cảng Quy Nhơn, Cảng Hải Phòng, Cảng Nha Trang, Cảng Đà Nẵng, Công ty TNHH một thành viên Vinalines Nha Trang) và sẽ có thêm 5 đơn vị hoàn thành Hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp và dự kiến sẽ IPO trong năm 2014 (riêng Cảng Sài Gòn do đang di dời nên lùi lại quý II/2015).
Trong một báo cáo gửi Bộ trưởng Giao thông, Vinalines cho biết phần lớn trong số tiền thu được sau IPO các đơn vị thành viên là 291 tỷ đồng đã bị ngân hàng khấu trừ nợ trái phiếu.
Theo Vinalines, việc nhà băng là trái chủ sở hữu 200 tỷ đồng trái phiếu của Tổng công ty phong tỏa tài khoản để khấu trừ nợ đã làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ kinh doanh và nguồn lực của doanh nghiệp - vốn đang rất khó khăn trong tái cơ cấu. Do vậy, nguy cơ doanh nghiệp sẽ không hoàn thành nhiệm vụ tái cơ cấu mà Chính phủ, Bộ Giao thông đã giao là rất lớn.
Với vướng mắc này, Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì hướng dẫn các bên sớm giải quyết, đảm bảo thực hiện việc quản lý, sử dụng các nguồn tiền của doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.
Vừa qua nguồn thu từ IPO các cảng biển đã không được như Vinalines kỳ vọng khi cả bốn cảng lớn là Hải Phòng, Quảng Ninh, Nha Trang, Đà Nẵng đều chỉ bán chưa đầy 5% trong lần đầu chào bán, dù mục tiêu thoái vốn gấp 5 lần con số ấy.
Doanh nghiệp cho rằng nguyên nhân quan trọng nhất là tỷ lệ Nhà nước nắm chi phối vẫn quá cao (75%) khiến các nhà đầu tư không mấy mặn mà. Vì vậy, Vinalines đề nghị được tiếp tục thoái vốn tại các cảng: Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ Tĩnh, Đà Nẵng, Cam Ranh xuống tỷ lệ nắm giữ còn 51%. Với tỷ lệ này, Tổng công ty dự kiến sẽ thu về thêm trên 2.000 tỷ đồng phục để vụ cơ cấu nợ, đồng thời nâng cao hiệu quả quản trị tại các cảng này.
Phó thủ tướng đã giao Bộ Giao thông trình Thủ tướng mức tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ tại các cảng biển nhằm thu hút nguồn vốn, đồng thời nâng cao quản trị doanh nghiệp
Báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp cuối năm ngoái, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết Tổng công ty đã cơ cấu được 7.855 tỷ đồng dư nợ tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, cơ cấu nợ được 20.412 tỷ đồng tại các tổ chức trong nước theo hướng giãn nợ, giảm số tiền phải trả mỗi kỳ trong giai đoạn 2013 – 2014. Đồng thời hoàn thành thủ tục bổ sung 900 tỷ đồng vốn điều lệ
Đầu tháng trước, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cho phép cơ cấu nợ của Công ty mẹ và các công ty chuyển giao từ Vinashin tại VDB, theo đó có gần 2.800 tỷ đồng nợ gốc sẽ được khoanh lại trong hai năm 2014, 2015 đồng thời xóa dư nợ lãi khoảng 760 tỷ đồng tại ngày 31/12/2013.
Đối với hơn 9.000 tỷ đồng dư nợ tại các tổ chức tín dụng khác, Vinalines cho hay đã tích cực đàm phán xử lý theo hướng đề nghị các tổ chức tín dụng bán nợ cho Công ty mua bán nợ DATC, hoặc khoanh nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi theo chỉ đạo của Chính phủ.
Phó Thủ tướng cũng đã đồng ý về nguyên tắc với đề xuất này và giao Bộ Tài chính thẩm định, đánh giá để báo cáo Thủ tướng quyết định.
Theo VnExpress