Dây chuyền phương tiện nạo vét đường thủy có giá 7,18 tỷ đồng từ ngân sách nằm đắp chiếu được bán đấu giá giá 562 triệu đồng.
Bán giá sắt vụn
Cụ thể, năm 2006 Đoạn Quản lý đường thủy nội địa (QLĐTNĐ) số 1 (trụ sở tại tỉnh Phú Thọ) tiếp nhận dây chuyền tàu cuốc nạo vét gồm hai sà lan (SL-01 và SL-02), tàu trục thả phao, tàu lái, tàu cuốc có tổng trị giá 7,18 tỷ đồng, để phục vụ nạo vét luồng chạy tàu kết hợp với tận thu sản phẩm cát, sỏi trên sông Hồng, sông Đà thuộc tuyến Hải Phòng - Sơn La.
Thế nhưng, chỉ sau khi nhập được vài tháng, đơn vị này đành phải để nằm đắp chiếu vì máy móc cồng kềnh, chi phí nhiên liệu lớn, khiến cho “càng làm càng lỗ”.
Theo kết quả thẩm định giá trị tài sản này của đơn vị đánh giá độc lập hồi tháng 7/2014, sà lan SL-01 có nguyên giá khi bàn giao là 851,5 triệu đồng nhưng qua 8 năm đã khấu hao trên 798 triệu đồng và giá trị chỉ còn khoảng 53 triệu đồng. Sà lan SL- 02 nguyên giá 850 triệu đồng, khấu hao trên 797 triệu đồng và chỉ còn giá trị khoảng 53 triệu đồng....
Tàu cuốc được đầu tư ban đầu có máy sản xuất ở Trung Quốc, phần vỏ do Viện Khoa học công nghệ tàu thủy thiết kế - đóng mới năm 2006, có giá trị ban đầu gần trên 2,4 tỷ đồng nhưng đến thời điểm này đã khấu hao hết 2,3 tỷ đồng và giá trị còn lại chỉ gần… 154 triệu đồng.
|
Dây chuyền tàu cuốc được đầu tư hơn 7,1 tỷ đồng, sau 8 năm nằm bờ chỉ còn giá trị 562 triệu đồng |
Theo đó, tất cả thiết bị trong dây chuyền đều đã bị hư hỏng nghiêm trọng và giảm giá trị rất nhiều. Ví dụ như phần máy của tàu lái không hoạt động được do hỏng trục cơ, xéc măng, piston, xi lanh bị mài mòn, hệ thống điện bị chập cháy.
Sau 8 năm, tại phiên đấu giá được tổ chức vừa qua, HTX vận tải CP Mùa Xuân (tỉnh Nam Định) đã trúng đấu giá với tổng số tiền 562 triệu đồng.
Trả lời Báo Giao thông Vận tải về việc vì sao không bán đấu giá sớm hơn để giảm thiệt hại cho Nhà nước, ông Trần Văn Cừu - Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (thời gian đó chưa giữ chức Cục trưởng) cho biết, dây chuyền này nằm trong dự án nâng cấp tuyến đường thủy nội địa Hải Phòng - Sơn La, thuộc dự án nguồn vốn trong nước, do Đoạn Quản lý ĐTNĐ số 1 xin cấp. Hiện đơn vị này đang làm các thủ tục để chuyển sang công ty cổ phần nên cần thanh lý dây chuyền này.
“Phương tiện được đóng mới nên lỗi là của “ông” thiết kế. Hồi đó chỉ sau khi thi công thử đã thấy không hiệu quả, dây chuyền phải đắp chiếu, nhưng không ai dám đề xuất thanh lý vì tâm lý ai cũng sợ”, ông Cừu nói.
Tàu ma Vinashin, Vinalines
Dây chuyền phương tiện nạo vét đường thủy tiền tỷ đã được thanh lý như bán sắt vụn nhưng đây cũng là "mơ ước" của những con tàu ma Vinashin, Vinalines.
Theo đó, đã hơn nửa thập kỷ trôi qua, tại khu vùng nước hòn Cặp Bè, thuộc phường Bạch Đằng (TP.Hạ Long) luôn chình ình 9 con tàu vận tải của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Vinashin được đóng mới tổng giá trị trăm tỷ đồng gần như chưa từng đưa vào sử dụng do làm ăn thua lỗ và không có khả năng chi trả lãi vay ngân hàng.
Trước dư luận phản ánh, UBND tỉnh Quảng Ninh, vào trung tuần tháng 11/2013, đã ra văn bản yêu cầu phía chủ tàu và chính quyền TP Hạ Long sớm có biện pháp, khẩn trương giải tỏa ngay các con tàu trên đang làm xấu cảnh quan bên bờ vịnh Hạ Long.
|
Tàu ma của Vinashin, Vinalines mòn mỏi chờ bán sắt vụn |
Từng trao đổi trên Đất Việt, ông Hoàng Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND Thành phố khẳng định: "Nếu tàu của thành phố thì chúng tôi xử lý được ngay, nhưng đây là tàu của Vinashin, tự nhiên mang đến để ở đó, chính quyền đã có nhiều cuộc làm việc, cũng như văn bản yêu cầu di chuyển, nhưng hiện nay công ty đó vẫn không chịu di chuyển, gây khó khăn, làm xấu cảnh quan của Vịnh Hạ Long".
Ông Hoàng Quang Hải cho biết, phải trục vớt những con tàu đó lên, rồi xem những máy móc nào còn dùng được thì tiếp tục sử dụng, phần nào không dùng được thì chúng ta có thể bán sắt vụn.
Thực tế, việc nhập những con tàu cũ, có "tuổi cao" từng diễn ra, tình trạng kỹ thuật kém không thể nhổ neo đã được đại diện ngành vận tải hàng hải Việt Nam thừa nhận.
Cụ thể từ năm 2006, Vinashin đã để Tổng Cty CNTT Nam Triệu nhận bàn giao tàu Bạch Đằng Giang từ Cty TNHH 1 thành viên Vận tải Viễn Dương với giá trị khoảng 155 tỷ đồng nhưng tàu vẫn không thể nhổ neo do đã hư hỏng.
Trong năm 2006 và 2007, Cty TNHH một thành viên Vận tải Viễn Dương thuộc Vinashin mua 10 tàu vận tải biển số tiền 3.136 tỷ đồng (gần 200 triệu đô la). Số tàu này đều có tuổi đời trên 15 năm.
Với Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam Vinalines, giai đoạn 2005-2010, Vinalines đầu tư mua 73 tàu, đa số các tàu mua là của nước ngoài, đã qua sử dụng, với năng lực vận tải 2.005 DWT với tổng số vốn đầu tư là 22.853 tỷ đồng.
Số tàu mua của Vinalines có tuổi tàu cao, thậm chí có tàu 33 tuổi, 17/73 tàu (chiếm 23,3%) quá tuổi quy định, không được phép đăng ký tại Việt Nam. Thậm chí tàu Lively Falcon 30 tuổi vẫn mua, được Bộ Giao thông vận tải cho phép đăng ký và treo cờ nước ngoài.
Đầu năm 2013, Cục Hàng hải Việt Nam đã đề xuất với Bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng cho phép phá dỡ những con tàu thuộc sở hữu Việt Nam mang quốc tịch nước ngoài nhưng không còn khả năng khai thác, xuống cấp và nằm ụ quá lâu tại các cảng.
Theo báo Đất Việt.
|