Các doanh nghiệp Hàn Quốc rất quan tâm tới Việt Nam thể hiện qua số doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư có xu hướng tăng lên trong những năm qua.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, Hàn Quốc là đối tác đầu tư nước ngoài lớn thứ 2 tại Việt Nam sau Nhật Bản với quy mô tổng vốn đầu tư đăng kí đạt 31,24 tỉ USD và đứng thứ nhất về số dự án với 3.827 dự án đầu tư còn hiệu lực.
Trong văn bản xúc tiến đầu tư gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá: Doanh nghiệp FDI Hàn Quốc là thành phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, sử dụng trên 50 vạn lao động và đóng góp khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu Việt Nam năm 2013.
Việt Nam là đối tác đầu tư ra nước ngoài lớn thứ 3 của Hàn Quốc, sau Mỹ và Trung Quốc. Chính phủ Hàn Quốc nói chung khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam, có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài, trong đó coi Việt Nam là một địa bàn đầu tư chiến lược.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc rất quan tâm tới Việt Nam thể hiện qua số doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư có xu hướng tăng lên trong những năm qua.
Đáng chú ý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Khoảng 95% các dự án đầu tư của Hàn Quốc được thực hiện bởi các doanh nghiệp nhỏ và vừa (quy mô dưới 500 người, doanh thu dưới 150 triệu USD), chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo như gia công hàng may mặc, giày dép...
Tuy nhiên, thời gian gần đây đã bắt đầu có sự chuyển biến về chất khi xuất hiện nhiều khối doanh nghiệp vệ tinh cho các tập đoàn đa quốc gia Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ điện tử.
"Các tập đoàn lớn của Hàn Quốc tuy chỉ chiếm khoảng 5% số dự án nhưng đạt hơn 70% tổng vốn đăng kí đầu tư tại Việt Nam, tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản; xây dựng… đóng góp tích cực cho ổn định và phát triển kinh tế như Samsung, Doosan, LG, Posco, CJ, Taekwang, Hyosung…" - theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lưu ý: Hiện nay, doanh nghiệp Hàn Quốc đã có cách tiếp cận thị trường Việt Nam thận trọng hơn trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới và khu vực diễn biến phức tạp và sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Campuchia và Myanmar.
Theo đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã chú trọng hơn vào lĩnh vực công nghiệp nặng, hóa dầu, điện lực, tài chính, dịch vụ và logistics, giải trí, điện, điện tử, công nghệ cao… Đồng thời, đón đầu làn sóng Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), doanh nghiệp Hàn Quốc có sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực phụ trợ trong các sản phẩm may mặc,
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Cần tăng cường hoạt động quảng bá môi trường đầu tư ổn định cũng như cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ đến địa phương làm yên lòng một số nhà đầu tư có lo lắng về những vấn đề bất ổn đối với doanh nghiệp FDI thời gian qua.
Theo kinh nghiệm của một số nước trong khu vực, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam về tiền lương, chính sách ưu đãi về thuế, chi phí sử dụng điện nước tương đối rẻ, chế tài về môi trường đầu tư tương đối thoáng… sẽ mất dần khi GDP đầu người Việt Nam đạt mức 4.000 USD/năm dự kiến vào sau năm 2015.
Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khuyến nghị: Việt Nam cần chủ động xây dựng chính sách đón đầu làn sóng đầu tư mới cũng như chuyển dịch cơ cấu nhân lực, lĩnh vực sản xuất khi các dự án FDI (bao gồm cả Hàn Quốc và các nước khác) có mục tiêu này dần rút khỏi Việt Nam.