Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia ngành trước những khó khăn được Cục Hàng không Việt Nam đưa ra tại cuộc họp với Bộ trưởng Bộ GTVT về đường bay thẳng mới đây.
Cuộc họp đường bay thẳng sáng ngày 10/9 được đích thân Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng chủ trì cùng đại diện các Bộ, ngành liên quan cho thấy cả Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng đều nhất trí chủ trương cần sớm đưa đường bay thẳng vào thực tế.
Tuy nhiên hiện nay còn hai vấn đề lớn cần được tháo gỡ gồm hạn chế về độ cao bay trong vùng trời của Lào và hạn chế vùng trời trong lãnh thổ của Việt Nam.
Cụ thể tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh cho biết, có 3 khó khăn cần giải quyết để thực hiện được đường bay thẳng: Thứ nhất là độ cao, cụ thể phải xin được nhà chức trách Lào cho máy bay bay với mực bay FL 350 có độ cao 1.0650m (35.000 feet) để tiết kiệm nhiên liệu nhất thay vì mực bay Lào cho phép FL 240 đến FL 280 (độ cao 7.300m đến 8.550m) hiện nay.
Thứ hai là cần tổ chức lại vùng trời để không phải bay tránh các khu vực có hoạt động của không quân như Thọ Xuân (Thanh Hóa), Biên Hòa và vùng cấm bay của Thủ đô.
Thứ ba là cần đàm phán để giảm mức phí không lưu.
Trong khi đó theo ông Đinh Việt Thắng - Tổng giám đốc Tổng công ty quản lý bay Việt Nam, nếu tính khoảng cách giữa hai điểm bay theo góc độ hình học thì thấy ngắn hơn nhiều so với đường bay hiện nay.
Nhưng quỹ đạo máy bay phụ thuộc vào phương thức cất, hạ cánh ở từng sân bay, việc tăng độ cao đến mực bay bằng, hạ dần độ cao chuẩn bị hạ cánh nên chỉ rút ngắn được 85km.
Ông Thắng đề nghị mở đường bay thẳng 1 chiều từ Tân Sơn Nhất ra Đồng Hới, Vinh, Thanh Hóa, Hà Nội qua không phận Lào, Capuchia để phù hợp với khả năng điều hành không lưu của Lào. Còn chiều Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh vẫn bay theo đường bay hiện tại.
Liên quan đến những khó khăn chính đang vướng mắc về đường bay thẳng được nêu ra tại cuộc họp của Bộ GTVT vừa qua, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, TS Trần Đình Bá khẳng định những khó khăn mà Cục Hàng không đưa ra hoàn toàn có thể giải quyết được.
Theo TS Trần Đình Bá Việt Nam là một nước hòa bình hữu nghị đa phương hóa quan hệ với các nước, ký hiệp định bầu trời mở rộng với ASEAN nên không bao giờ có khái niệm đặt vùng cấm bay hay phân chia vùng trời.
“Không phận là của toàn dân mà quân đội phải có trách nhiệm bảo đảm để hàng không dân dụng hoạt động theo luật dân dụng được khai thông, như bộ đội Hải quân bảo vệ vùng biển đảo cho Ngư dân bình yên làm ăn và bảo vệ chủ quyền, có ai phân chia vùng biển, đặt vùng cấm trên biển đâu”, TS Trần Đình Bá thắc mắc.
Ông Bá thẳng thắn cho rằng, ở các nước người ta lập “cầu hàng không” chỉ sau 24 giờ sau khi có thỏa thuận giữa các nước. Chính vì vậy lo lắng về mức phí quá cảnh, về độ cao tàu bay của Cục HKVN nhằm gây khó cho tiến trình đưa đường bay thẳng đi vào thực tế.
Trước đề xuất chỉ áp dụng đường bay thẳng cho 1 chiều từ TP.Hồ Chí Minh đi Hà Nội, TS Trần Đình Bá cho biết: “Hàng không không có khái niệm như đường sắt hai chiều. Thế giới chưa ai làm như vậy, họ chỉ có một đường tối ưu và tránh nhau bằng phân chia độ cao”.
TS Bá phân tích trong hàng không không có khái niệm “giao cắt”. Không có chuyện “giao cắt” bằng đường hàng không qua biên giới. Khái niệm “giao cắt” chỉ có ở đường sắt với đường bộ mà thôi.
Tương tự ý kiến đánh giá của TS Trần Đình Bá, trao đổi với phóng viên cựu phi công Mai Trọng Tuấn cũng cho rằng, sâu xa vấn đề từ trước đây khi đưa ra đề xuất đường bay thẳng, Cục HKVN đã là người không ủng hộ. Chính vì vậy Cục luôn đưa ra nhiều khó khăn khiến đường bay thẳng khó đi vào thực tế.
Với khó khăn do hạn chế độ cao, giá quá cảnh khi bay tại vùng trời thuộc biên giới của Lào và Campuchia, cựu phi công Mai Trọng Tuấn cho rằng, những khó khăn này hoàn toàn có thể được đàm phán.
“Nên nhớ đường hàng không của Lào “không có đường ra”, Campuchia chỉ có đường ra phía Nam (vùng biển). Vì thế để bay ra hướng Đông, Đông Bắc như sang Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc… cả Lào và Campuchia đều phải qua không phận Việt Nam nếu không muốn bay vòng. Do đó đây là cơ sở chúng ta đàm phán với 2 nước bạn nhằm tối ưu cho đường bay thẳng”, ông Tuấn cho biết.
Riêng vấn đề vướng các vùng sân bay quân sự tại một số điểm thuộc không phận Việt Nam, cựu phi công Mai Trọng Tuấn cho rằng, chỉ cần di chuyển vùng bay tập quân sự, thay đổi đường bay tập quân sự là vừa có thể đảm bảo vấn đề huấn luyện chiến đấu cho không quân vừa tạo điều kiện cho đường bay thẳng.
Theo Giáo dục VIệt Nam.