Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát yêu cầu Tổng cục Thủy sản phối hợp với các tỉnh miền Trung tìm hiểu thị trường, xây dựng bộ quy chuẩn nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu cá ngừ đại dương.
|
Các chuyên gia Nhật Bản kiểm tra chất lượng cá ngừ đại dương tại Bình Định. Ảnh:Trí Tín. |
Tại hội nghị bàn giải pháp khai thác và xuất khẩu cá ngư đại dương tổ chức ở Phú Yên ngày 13/9, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn quyết định thành lập Ban chỉ đạo phát triển nghề câu cá ngừ đại dương. Theo đó, lãnh đạo Bộ làm trưởng ban, đại diện lãnh đạo ba tỉnh: Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa làm phó ban. "Cần tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết có sự tham gia lãnh đạo các tỉnh, hiệp hội nghề cá và doanh nghiệp, chứ không thể để một mình ngư dân tự làm được”, ông Phát nói.
Cả nước hiện có 3.600 tàu đánh bắt cá ngừ đại dương, chủ yếu tập trung ở ba tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa với sản lượng đạt khoảng 16.000 tấn mỗi năm. Sản phẩm cá ngừ đại dương của Việt Nam đã xuất khẩu đến 99 nước trên thế giới, chủ yếu là EU, Mỹ và Nhật Bản đạt giá trị xuất khẩu từ 188 triệu USD (năm 2008) lên gần 530 triệu USD vào năm 2013.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng yêu cầu Tổng cục Thủy sản phối hợp với ba tỉnh nói trên tìm hiểu kỹ thị trường, đặc biệt là Nhật Bản, xây dựng quy chuẩn chất lượng về cá ngừ đại dương để hướng dẫn, tập huấn cho ngư dân nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu loài thủy sản này. Giải pháp quan trọng nhất là đào tạo, lựa chọn công nghệ, doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt, hiện đại hóa đội tàu và đánh giá đúng chất lượng cá ngừ để giúp ngư dân yên tâm bám biển.
|
Thiết bị câu cá ngừ đại dương theo phương pháp hiện đại trên tàu composite của Công ty Yanmar (Nhật Bản) thu hút sự quan tâm của nhiều ngư dân miền Trung. Ảnh:Trí Tín. |
Liên quan đến việc giúp ngư dân nâng cao giá trị xuất khẩu cá ngừ đại dương, từ đầu tháng 9 đến nay, Công ty TNHH tư vấn và đóng tàu Việt - Nhật và Công ty Yanmar (Nhật Bản) đã lần lượt đưa tàu composite giới thiệu ở các tỉnh miền Trung. Mẫu tàu này dài 18 m, rộng gần 5m, công suất 350 CV, tốc độ tối đa 12,5 hải lý mỗi giờ, có thể hoạt động trong điều kiện sóng gió cấp 7, cấp 8.
Trên tàu trang bị các thiết bị hàng hải, thiết bị đánh bắt hiện đại, các hầm chứa khoảng 4 tấn hải sản được thiết kế giữ nhiệt, bảo quản lạnh tốt. Ưu điểm của tàu cá vỏ composite là không chỉ câu cá ngừ đại dương mà còn hành nghề chụp mực và lưới rê, quá trình hoạt động với vận tốc 10 hải lý chỉ tiêu hao nhiên liệu khoảng 25 lít mỗi giờ, tuổi thọ khoảng 40 năm.
Ông Yukio Kikuchi, Giám đốc dự án Yanmar (Nhật Bản), cho biết Yanmar đang liên kết với các tỉnh ven biển miền Trung thành lập công ty cổ phần với mô hình tổ, đội đánh bắt xa bờ bằng tàu cá composite kết hợp khai thác, thu mua hải sản với các ngư dân góp vốn theo tỷ lệ 50/50.
"Mỗi tỉnh thí điểm khoảng 10 tàu composite (mỗi tàu 5 lao động) đánh bắt cá ngừ đại dương theo phương pháp Nhật Bản kiêm nghề chụp mực, lưới rê. Chuyến biển khoảng hai tuần, trung bình mỗi lao động thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng", ông Yukio Kikuchi nói.
Theo VnExpress